Phát hiện bất ngờ về đảo rác Thái Bình Dương
Các nhà khoa học gần đây phát hiện đảo rác Thái Bình Dương lớn tới mức một hệ sinh thái ven biển có thể đang phát triển mạnh mẽ trên hàng tấn rác thải nhựa trôi nổi ngoài khơi.
Trong nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, các nhà khoa học tìm thấy cộng đồng lớn sinh vật ven biển, gồm cả cua nhỏ và hải quỳ, đã sống sót và sinh sản trên các mảnh vụn nhựa ở đảo rác Thái Bình Dương.
Theo ước tính, có khoảng 1.800 tỷ mảnh nhựa trong đảo rác Thái Bình Dương, nặng tổng cộng khoảng 80.000 tấn. (Ảnh: New York Times).
Trong khi vật liệu hữu cơ phân hủy và chìm trong vài tháng hoặc nhiều nhất là vài năm, các mảnh vụn nhựa sẽ trôi nổi trên đại dương lâu hơn.
Các nhà khoa học cho biết ô nhiễm nhựa trên đại dương có thể tạo điều kiện xuất hiện hệ sinh thái nổi mới của những loài thường không thể tồn tại trên biển khơi, CNN đưa tin.
Linsey Haram - tác giả chính của nghiên cứu - cùng đồng nghiệp đã kiểm tra 105 vật phẩm nhựa lấy từ đảo rác Thái Bình Dương trong khoảng từ tháng 11/2018 tới tháng 1/2019. Họ xác định được 484 sinh vật biển không xương sống trên các mảnh vỡ, thuộc 46 loài khác nhau, trong đó 80% thường được tìm thấy ở môi trường sống ven biển.
“Chúng tôi tìm thấy phần lớn là các loài ven biển, chứ không phải loài vốn sống ở ngoài khơi như chúng tôi nghĩ”, bà nói.
Theo bà Haram, vẫn chưa rõ hậu quả từ việc những loài sống ven biển sinh sôi ở vùng ngoài khơi.
“Có khả năng chúng sẽ cạnh tranh không gian sống, bởi không gian sống rất quan trọng ở vùng biển khơi. Ngoài ra, chúng có thể cạnh tranh nguồn thức ăn, hoặc ăn thịt lẫn nhau. Thật khó để xác định chuyện gì đang xảy ra”, bà nói.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng không thể chỉ ra chính xác cách các sinh vật tới được tận đại dương xa xôi và làm thế nào chúng sinh tồn.
Đảo rác Thái Bình Dương là đống rác thải rộng khoảng 1,6 triệu km nằm ở khu vực biển giữa California và Hawaii.
Sáng kiến Ocean Cleanup ước tính có khoảng 1.800 tỷ mảnh nhựa nặng khoảng 80.000 tấn trong đống rác này. Phần lớn nhựa được tìm thấy bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, trong khi 10-20% tổng khối lượng có thể từ trận sóng thần Nhật Bản năm 2011.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), thế giới sản xuất khoảng 460 triệu tấn nhựa mỗi năm. Nếu không hành động khẩn cấp, con số này sẽ tăng gấp 3 vào năm 2060.
UNEP cho biết trên toàn cầu, chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế. Có tới 22% nhựa bị quản lý sai cách và trở thành rác thải, phần lớn kết thúc ở đại dương.
- "Hạn hán chớp nhoáng" đang trở thành bình thường mới
- Nghiên cứu của Canada: Hơn 87% đồ vật trong gia đình có chất nguy cơ gây ung thư
- Bí ẩn về người phàm ăn nhất thế giới