Phát hiện cả một thiên hà hóa thạch bị "quái vật" chứa Trái đất nuốt
Nạn nhân vừa được phát hiện của thiên hà chứa Trái đất Milky Way được đặt tên là Pontus, ước tính bị nuốt khoảng 8-10 tỉ năm trước.
Thiên hà chứa Trái đất Milky Way (Ngân Hà) từng được nhiều nghiên cứu chứng minh là một "quái vật" đã nuốt ít nhất 16 thiên hà khác để đạt được kích thước khổng lồ ngày nay. Sử dựng dữ liệu từ tàu vũ trụ lập bản đồ thiên hà Gaia của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), nhóm khoa học gia đến từ Viện Thiên văn học Max Planck (Đức) đã tìm ra dấu vết của Pontus.
Milky Way và các thiên hà vệ tinh, các dòng sao, trong đó những hình vuông màu tím chính là các cụm vật thể được đưa vào thiên hà chứa Trái đất bởi Pontus - (Ảnh: Gaia/ESA)
Tất cả những gì còn lại là các mảnh "hóa thạch vũ trụ" đang trôi dạt trong vầng hào quang của Milky Way, tức vùng mở rộng bên ngoài đĩa chính của thiên hà.
Tờ Sci-News dẫn lời tiến sĩ Khyati Malhan, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích rằng khi một thiên hà ngoại lai rơi vào Milky Way, một lực hấp dẫn lớn sẽ xé nó thành một dòng sao rộng lớn kéo ra đến tận vầng hào quang.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét tổng cộng 170 cụm sao cầu, 41 dòng sao và 46 vệ tinh của Milky Way và nhận thấy 25% trong số các vật thể này thuộc về 6 nhóm riêng biệt, đại diện cho 6 lần hợp nhất, tất nhiên là "quái vật" Milky Way sẽ đóng vai trò "kẻ ăn thịt".
Trong đó lần sáp nhập thứ 6 là một sự kiện chưa từng được xác định. Đó chính là Pontus, bị nuốt khoảng 8-10 tỉ năm và vẫn chưa hoàn toàn bị Milky Way nghiền nát. Vì vậy thay vì các ngôi sao bị rải rác khắp nơi thì vẫn còn các phần khá lớn, tụ lại ở một số vùng trong vầng hào quang thiên hà.
Sự kiện nuốt thiên hà được xác định gần nhất là thiên hà Sagittarius, từng được biết đến trước đây, rơi vào Milky Way khoảng 5-6 tỉ năm trước.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astrophysical Journal.
- Tàu vũ trụ chụp được "dấu vết quỷ dữ" kỳ lạ ở hành tinh khác
- Ảnh chụp thiên hà hợp nhất cách 681 triệu năm ánh sáng
- Lộ diện 2 "bán hành tinh" sinh ra từ hư không, kết nối xuyên không gian