Phát hiện có nước ở rất sâu trong lòng Trái đất nhờ cơ học lượng tử
Theo ấn phẩm Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà địa chất đã phát hiện rằng có nước ở độ sâu kỷ lục trong lòng Trái đất. Điều này sẽ cho phép hiểu biết sâu sắc hơn về một số quá trình xảy ra trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đại diện cho trường Đại học Florida, Mỹ, phát hiện ra rằng ở độ sâu 400-600km dưới bề mặt Trái đất có nước tồn tại dưới dạng một khoáng chất được gọi là brucite. Cơ học lượng tử đã giúp các nhà khoa học phát hiện điều này.
Ở độ sâu 400-600km dưới bề mặt Trái đất có nước tồn tại dưới dạng một khoáng chất được gọi là brucite.
Các chuyên gia ghi nhận rằng các dữ liệu mới đã gây ngạc nhiên, ít nhất ở hai khía cạnh: thứ nhất, trước đây không ai nghĩ rằng nguồn nước có thể ở sâu đến thế; và thứ hai, brucite được coi là khoáng chất đã được nghiên cứu rất kỹ và các nhà khoa học không ngờ lại có chuyện như vậy. Đó là magiê hydroxide và bên trong đó lại chứa nước. Các thí nghiệm được tiến hành trước đó cho thấy ở áp suất cao brucite bị phá vỡ, điều đó có nghĩa rằng ngay cả ở độ sâu tương đối, nó sẽ giải phóng nước để sau đó nước quay trở lại bề mặt Trái đất.
Tuy nhiên, thông qua một loạt các phép tính cơ học lượng tử, các chuyên gia kết luận rằng brucite có thể rơi xuống rất sâu trong lòng đất mà không bị phá hủy trong một thời gian dài. Cho đến nay, các chuyên gia không thể trả lời câu hỏi rằng có bao nhiêu nước rơi xuống độ sâu khoảng 500km, nhưng họ chắc chắn rằng có một lượng nước nhất định ở độ sâu đó.
Nước trong vỏ Trái đất tác động đến các quá trình xảy ra trên hành tinh chúng ta không hề kém tác động của nước trên bề mặt đất. Vì vậy, các chuyên gia hy vọng rằng phát hiện của họ sẽ giúp trả lời một số câu hỏi về các quá trình trên. Các chuyên gia lưu ý rằng họ vẫn phải xác minh phát hiện trên với việc mô hình hóa và tiến hành các thí nghiệm mới.