Phát hiện hài cốt "vị tổ tiên đầu thời khủng long" của chúng ta
Các phần hài cốt hóa thạch 225 triệu năm tuổi được xác định là một loài mới, cũng là loài động vật có vú lâu đời nhất từng được xác định trên thế giới.
Với niên đại này, loài mới mang tên Brasilodon quadrangularis sống cùng thời với các loài khủng long đầu tiên từng lang thang trên Trái Đất.
Theo CNN, hài cốt hóa thạch Brasilodon quadrangularis xưa hơn đến 20 triệu năm so với loài động vật có vú cổ đại từng giữ kỷ lục trước đó. Phát hiện được các nhà nghiên cứu ca ngợi là "rất quan trọng".
Chân dung động vật có vú lâu đời nhất từng được phát hiện - (Ảnh: Journal of Anatomy)
Vị tổ tiên nằm trên đỉnh ngọn tháp di truyền của dòng họ động vật có vú mà chúng ta thuộc về này có hình dạng giống một con chuột chù, dài khoảng 20cm, được nhận định là "làm sáng tỏ sự tiến hóa của động vật có vú hiện đại".
Khám phá được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, King's College London - Anh và Đại học Liên bang Rio Grande do Sul ở Porto Alegre - Brazil.
Tuy tuyến vú không có khả năng được lưu giữ dưới dạng hóa thạch, nhưng các mô cứng được bảo quản khá tốt như xương và răng của bộ hài cốt đã giúp các nhà khoa học xác định loài. Nó thuộc lứa động vật sinh ra sau sự kiện tuyệt chủng Permi-Trias (Nhị Điệp - Tam Điệp) lần đại tuyệt chủng thứ 3 của địa cầu là là lần lớn nhất, giết chết 90% sinh vật đại dương và 70% động vật trên cạn.
Tuy nhiên đại tuyệt chủng cũng giúp sinh ra một lứa sinh vật hoàn toàn mới, bao gồm khủng long và động vật có vú. Brasilodon quadrangularis sinh ra 25 triệu năm sau sự kiện thảm khốc này.
Brasilodon quadrangularis cũng là động vật có xương sống lâu đời nhất với 2 bộ răng mọc kế tiếp nhau - răng sữa và răng vĩnh viễn - giống như cách con người mọc răng ngày nay.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Anatomy.