Phát hiện hóa thạch ký sinh trùng hút máu khổng lồ
Loài ký sinh trùng hút máu kỳ nhông 165 triệu năm tuổi này có những "chân mút" khổng lồ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học mới đây đã phát hiện ra hóa thạch một loại ký sinh trùng kỳ lạ 165 triệu năm tuổi tại hồ nước ngọt ở Nội Mông, Trung Quốc.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện loại ký sinh trùng này có thể bò lên cơ thể động vật lưỡng cư (kỳ nhông), sử dụng những "chân mút" của mình để bám chặt vào lớp da vật chủ, sau đó hút máu.
Hóa thạch ký sinh trùng Qiyia jurassica.
Loài ký sinh trùng dài khoảng 2cm và có tên khoa học là Qiyia jurassica ("Qiyia" nghĩa là kỳ quái trong tiếng Trung Quốc, "jurassica" là kỷ Jura) này hiện được biết đến là một trong những loài đặc biệt có chân mút khổng lồ.
Giáo sư Jes Rust đến từ Viện địa chất, khoáng vật và cổ sinh học thuộc ĐH Bonn cho biết: "Cho đến nay, chưa có loài ký sinh nào được biết đến mà có tấm mút ở chân khổng lồ đến vậy".
Hình ảnh phục dựng của Qiyia jurassica.
Tiến sĩ Bo Wang - người tham gia nghiên cứu cho hay, mặc dù các nhà khoa học tìm thấy khoảng 300.000 hóa thạch của các loài sinh vật khác nhau nhưng họ cũng khá bất ngờ trước phát hiện mới này. Tiến sĩ cho biết: "Không có loài sinh vật nào hiện nay có hình dạng cơ thể tương tự để so sánh".
Đặc biệt hơn, các chuyên gia vô cùng ngạc nhiên khi không phát hiện thấy cá hóa thạch có trong hồ nước ngọt ở Trung Quốc vào thời kỳ Kỷ Jura.
Sự bất thường này được các chuyên gia lý giải rằng, rất có thể các ký sinh trùng đã bỏ qua cá và tìm đến các loài kỳ nhông.
Tiến sĩ Wappler tham gia nghiên cứu cũng cho biết: "Một loại ký sinh trùng đôi khi giết chết vật chủ của nó khi đạt được mục tiêu của mình". Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về cách mà Qiyia jurassica đã duy trì cuộc sống của mình.