Phát hiện "kho báu" thời đồ đồng dưới đáy biển

Các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy một bộ sưu tập cổ vật gần 4.000 năm tuổi ở ngoài khơi bán đảo Bozburun thuộc tỉnh Mugla.

Trong dự án kiểm kê tàu đắm ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà nghiên cứu trên con tàu thám hiểm Reis đã tìm thấy hàng trăm hiện vật lịch sử được ví như "kho báu dưới nước" ở vùng biển ngoài khơi phía tây nam nước này.


Thợ lặn khám phá bộ sưu tập cổ vật dưới đáy biển Thổ Nhĩ Kỳ. (Video: Access All/Reuters).

Các cổ vật - bao gồm đồ gốm và kim loại như bình, cốc, cân thăng bằng, nồi bếp và rìu - có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 18 trước Công nguyên (TCN), thuộc thời kỳ đồ đồng giữa.

"Đây là bộ sưu tập đồ gốm dưới nước lớn nhất từ trước tới nay ở Thổ Nhổ kỳ. Tôi dùng từ 'bộ sưu tập' bởi chúng tôi đã tìm thấy hàng trăm đồ gốm các loại ở độ sâu từ 3 đến 30m", PGS.TS Harun Ozdas từ Viên Công nghệ và Khoa học Đại dương thuộc Đại học Dokuz Eylul, tác giả chính của nghiên cứu, hôm 24/10 cho biết trong một bài phỏng vấn.

Phân tích chỉ ra rằng các hiện vật có niên đại trùng với những con thuyền buồm của người Minos. Điều này cho thấy có thể đã có một tuyến đường thủy thương mại hình thành trong thời kỳ này để xuất khẩu đồ gốm từ Crete, Rhodes và bán đảo Bozburun tới khu vực Iassos, Miletus, Ephesus, Troy và Aegean ở phía bắc.


Đây là bộ sưu tập đồ gốm dưới nước lớn nhất từ trước tới nay ở Thổ Nhổ kỳ.

Khám phá mới được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nền văn minh Anatolia và Minos, đồng thời bổ sung thông tin về những tuyến đường thủy thương mại trong thời kỳ đồ đồng giữa.

Nền văn minh Minos phát triển mạnh mẽ trên đảo Crete và vùng biển Aegea từ năm 3000 TCN đến 1450 TCN, trước khi suy tàn và sụp đổ vào khoảng năm 1100 TCN. Nó đại diện cho nền văn minh tiên tiến đầu tiên ở châu Âu với những công trình xây dựng đồ sộ cùng với bộ sưu tập công cụ, tác phẩm nghệ thuật, hệ thống chữ viết và một mạng lưới thương mại khổng lồ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất