Phát hiện kinh ngạc về đại dương sự sống ngoài hành tinh 4,5 tỉ tuổi
Những kho báu vũ trụ mà một hành tinh khác vô tình gửi đến Trái đất đã tiết lộ về một đại dương sâu ít nhất 300m, tồn tại từ 4,5 tỉ trước và ngập tràn khối xây dựng sự sống.
Để đi đến phát hiện đó, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Martin Bizzarro từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã phân tích các đồng vị crom trong nhiều thiên thạch sao Hỏa, thứ dẫn họ trở ngược lại quá khứ 4,5 tỉ năm trước khi hành tinh này còn non trẻ.
"Vào thời điểm đó, sao Hỏa bị bắn phá bởi các hành tinh chứa đầy băng. Điều này xảy ra trong 100 triệu năm đầu tiên của quá trình tiến hóa hành tinh. Ngoài nước, các tiểu hành tinh băng này còn mang đến các phân tử liên quan đến sinh học như axit amin đến sao Hỏa" - tờ Sci-News dẫn lời giáo sư Bizzarro.
Đại dương trên sao Hỏa có thể từng phù hợp cho sự tiến hóa của sự sống hơn cả Trái đất - (Ảnh: NASA).
Trong nghiên cứu mới, họ đã dựng nên một mô hình về đoạn quá khứ mãnh liệt nói trên của sao Hỏa, chỉ ra sự tồn tại của một đại dương bao phủ toàn bộ hành tinh, giống hệt đại dương sơ khai của Trái đất. Độ sâu của đại dương này ít nhất 300m, và có khả năng lên tới 1km ở một số điểm.
Đại dương này cũng ngập đầy các khối xây dựng sự sống, bởi axit amin được sử dụng để cấu thành DNA, RNA.
Cùng thời điểm đó, đại dương trên Trái đất cũng hình thành nhưng các bằng chứng tương đương cho thấy nó ít nước hơn đại dương sao Hỏa rất nhiều. Chưa kể trong khi các khối xây dựng sự sống tiến hóa bình yên ở sao Hỏa, chúng gần như bị xóa sổ trên Trái đất bởi vụ va chạm thảm khốc với Theia, một hành tinh to bằng sao Hỏa và nay đã sáp nhập cơ thể với địa cầu của chúng ta.
Thế nhưng như các nghiên cứu khác chỉ ra, những thảm họa có thể gây tuyệt chủng hoàn toàn sự sống sao Hỏa đã xảy ra rất lâu sau đó, như quá trình bốc hơi gần như toàn bộ nước khoảng 3 tỉ năm về trước.
Phát hiện này không chỉ đưa ra bằng chứng về một hành tinh đáng lẽ đầy sự sống cạnh chúng ta, mà còn giúp soi rọi vào quá khứ của chính Trái đất, cách mà đại dương hình thành và sự sống được gieo mầm.
Bởi lẽ những gì chúng ta biết về Trái đất những năm sơ khai nhất mới chỉ là lý thuyết. Khác với sao Hỏa với lớp vỏ yên tỉnh, lớp vỏ Trái đất gồm nhiều mảnh - là những mảng kiến tạo - di chuyển liên tục và xóa bỏ hoàn toàn 500 triệu năm lịch sử đầu tiên.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
- Đưa con người lên sao Hỏa sinh sống vào năm 2031 có thực sự khả thi?
- Tàu vũ trụ sao Hỏa lập kỷ lục truyền dữ liệu
- Trạm đổ bộ sao Hỏa của NASA gửi về ảnh chụp "cuối cùng"