Phát hiện loài khủng long mới dài tới 20m

Hóa thạch 90 triệu năm tuổi ở Uzbekistan tiết lộ một loài khủng long ăn thực vật khổng lồ lớn gấp đôi xe buýt hai tầng.


Hình ảnh phục dựng loài khủng long Dzharatitanis kingi. (Ảnh: Alexander Averianov).

Theo báo cáo trên tạp chí PLoS One hôm 24/2, nhóm nghiên cứu từ Viện Smithsonian của Mỹ và Viện Khoa học Nga nhấn mạnh loài mới là đại diện đầu tiên của họ khủng long chân thằn lằn Rebbachisauridae ở châu Á. Nó được đặt tên là Dzharatitanis kingi theo khu vực Dzharakuduk ở Uzbekistan, nơi tìm thấy hóa thạch, cũng như để vinh danh nhà cổ sinh vật học đã qua đời Christopher King, người đã có những đóng góp trong phát hiện này.

Giống như các loài Rebbachisauridae khác, D. kingi có cổ dài và mảnh mai, đầu tương đối nhỏ, cùng với một chiếc đuôi rất dài. Phân tích hóa thạch cho thấy con vật có thể dài từ 15 đến 20 m và nặng khoảng 20 tấn. Nó sống trong kỷ Phấn Trắng cách đây khoảng 90 triệu năm, tại một vùng đồng bằng ven biển ở phía tây châu Á. Trước đây, hóa thạch của Rebbachisauridae chỉ được tìm thấy ở châu Mỹ, châu Phi và châu Âu.

Theo Tiến sĩ Alexander Averianov từ Viện Khoa học Nga, một trong hai tác giả chính của nghiên cứu, D. kingi có thể đã di cư từ châu Âu sang châu Á thông qua một dải đất trên eo biển Turgai, nhưng không rõ điều này xảy ra khi nào.

"Việc phát hiện một loài Rebbachisauridae mới, đại diện cho một chi mới, ở Uzbekistan đã mở rộng đáng kể sự phân bố của họ khủng long này về phía đông. Nó củng cổ giả thuyết cho rằng các lục địa trên Trái Đất vẫn còn được kết nối với nhau trong kỷ Phấn Trắng sớm", Averianov nhấn mạnh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất