Phát hiện loài kỳ nhông khổng lồ mới thuần chủng về mặt di truyền ở Trung Quốc

Một loài kỳ nhông hoang dã và thuần chủng về mặt di truyền thuộc nhóm kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc đã được phát hiện ở quận Tĩnh An, tỉnh Giang Tây. Loài kỳ nhông vừa được phát hiện này có tên gọi là Andrias jiangxiensis sp. nov.


Loài kỳ nhông mới được phát hiện có tên Andrias jiangxiensis sp. nov. (Ảnh: Viện động vật học Côn Minh).

Loài kỳ nhông mới với tên gọi Andrias jiangxiensis sp. nov. được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Viện động vật học Côn Minh, đây cũng là loài kỳ nhông thuần chủng đầu tiên được xác định thuộc nhóm kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc.

Phát hiện này là kết quả sau 18 tháng nghiên cứu thực địa của các nhà sinh vật học, trong thời gian này họ đã theo dõi điều kiện sinh sản của 700 con kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc, bao gồm cả con trưởng thành, con đang phát triển và con non mới nở.

Các nhà nghiên cứu xác định rằng dòng kì nhông này không được lai tạo với các cá thể bên ngoài, do đó chúng vẫn duy trì được độ thuần chủng di truyền của mình. Nghiên cứu còn cung cấp thêm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ nguy cấp của loài này và xây dựng các kế hoạch hành động bảo vệ phù hợp.

Trưởng nhóm nghiên cứu của dự án - Che Jing trả lời với tờ The Global Times cho biết: "Việc phát hiện ra loài kỳ nhông mới mang đến cho chúng ta hy vọng trong việc bảo tồn loài kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc".  


Kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc là loài kỳ nhông lớn nhất thế giới cũng như loài lưỡng cư lớn nhất. Hiện nay chúng được xem là loài cực kỳ nguy cấp do sự phá hủy môi trường sống, nạn ô nhiễm, khai thác quá mức và nạn săn bắt. (Ảnh: Intenet)

Kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc là loài lưỡng cư quý hiếm đặc hữu duy nhất ở các vùng nước ngọt tại Trung Quốc. Chúng được mệnh danh là “hóa thạch sống” với thời gian tồn tại ít nhất 165 triệu năm. Những hóa thạch sớm nhất của  loại này được phát hiện ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Tại Trung Quốc, chúng thường được gọi với cái tên “Cá búp bê” hoặc “Cá em bé” (do tiếng kêu độc đáo mà chúng tạo ra giống tiếng trẻ con khóc) đây cũng là  là loài động vật hoang dã được bảo vệ trọng điểm cấp quốc gia.

Theo báo cáo nghiên cứu, môi trường sống của Andrias jiangxiensis sp. nov . chỉ có diện tích 36km2, điều này đã khiến chúng tương đối cô lập với các môi trường khác. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng của môi trường có thể khiến các loài này trở nên nguy cấp, vì vậy cần phải có một kế hoạch hành động khẩn cấp.


Loài sinh vật này đã tồn tại ít nhất 165 triệu năm. (Ảnh: Internet).

Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu cung cấp tài liệu tham khảo và minh chứng cho các loài nguy cấp bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người, từ đó xây dựng và điều chỉnh các kế hoạch bảo vệ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều nhóm thuần chủng tương tự trong tự nhiên và sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ khoa học và hiệu quả trên cơ sở này".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất