Phát hiện loài mới 3,7 triệu tuổi: Người mang "bước chân gấu"
Những dấu chân gấu hóa thạch từng được phát hiện trong lớp tro núi lửa ở miền Bắc Tanzania vừa được xác định lại là một loài người chưa từng biết, đã 3,7 triệu tuổi.
Dấu chân giống gấu của loài người cổ 3,7 triệu tuổi.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Ellison McNutt từ Đại học Ohio (Mỹ) đã lật lại các nghiên cứu về những dấu chân đặc biệt được phát hiện tại khu vực gọi là Laetoli Site A, một con đường mòn cổ đại với 18.400 dấu chân động vật hóa thạch, được khai quật từ năm 1978.
Theo Science Alert, một trong số các dấu chân, thuộc về một con người thô kệch cổ đại, từng bị nhầm là dấu chân gấu.
Cá thể người bí ẩn là một sinh vật thấp lùn, có thể có chiều cao gần 100cm, có thể là một đứa trẻ nhưng sở hữu thân hình khá thô kệch với bàn chân rộng và ngắn. Nhưng các nhà khoa học đã tìm được dấu vết của một ngón chân cái rõ ràng, ngón thứ 2 dài và hình dạng gót chân thuộc về con người, khác với gấu và tinh tinh.
Ở một đoạn đường, dấu chân cho thấy sinh vật này đã đi những bước chéo chân, có thể là lúc cố giữ thăng bằng vì suýt ngã do địa hình. Các bước bình thường cũng cho thấy 2 bàn chân di chuyển khá gần nhau và rõ ràng là sinh vật đã đi bằng 2 chân.
Ban đầu, sinh vật được cho là người vượn phương Nam, tuy nhiên khi xem xét kỹ thì cá thể này có những đặc điểm khá khác biệt về hình thái. Kết quả xác định niên đại cho thấy vị tổ tiên bí ẩn đã 3,7 triệu tuổi.
Trong bài công bố trên Nature, các nhà khoa học khẳng định đó là một loài người mới, nhưng cần phải nghiên cứu thêm và họ đang ráo riết truy tìm các bằng chứng hóa thạch khác.