Phát hiện mới về giờ ăn sáng và tối tốt nhất để tránh đột quỵ
Hơn 1/3 người lớn mắc hội chứng chuyển hóa, bao gồm các tình trạng như huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao và béo phì, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2.
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Internal Medicine, phát hiện cách đơn giản để giảm nguy cơ đột quỵ. Theo chuyên trang khoa học Science Alert, nghiên cứu này mang đến hy vọng mới trong việc phòng ngừa các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Sự phát hiện này có thể mở đường cho những phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn. Cùng khám phá cách bảo vệ sức khỏe từ những nghiên cứu tiên tiến này.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Salk và Đại học California San Diego (Mỹ) đã tiến hành thử nghiệm kéo dài 3 tháng trên 108 người mắc hội chứng chuyển hóa, ở độ tuổi trung bình là 59.
Tất cả những người tham gia đều được tư vấn về dinh dưỡng, nhưng một nhóm được tuân theo chế độ hạn chế thời gian và một nhóm đối chứng vẫn ăn theo khung giờ bình thường.
Ăn hạn chế thời gian trong 8 - 10 tiếng đã cải thiện đáng kể hội chứng chuyển hóa. (ẢNH: PEXELS)
Trước khi bắt đầu nghiên cứu, khung thời gian ăn uống trung bình của những người tham gia là hơn 14 tiếng (ví dụ ăn sáng lúc 6 giờ, ăn tối lúc 20 giờ).
Khi tham gia nghiên cứu, nhóm ăn hạn chế thời gian đã giảm khung thời gian ăn xuống còn 8 - 10 tiếng (ví dụ ăn sáng lúc 8 giờ, ăn tối lúc 16 - 18 giờ).
Giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim và tiểu đường
Kết quả thật khả quan, ăn hạn chế thời gian trong 8 - 10 tiếng trong ngày đã cải thiện đáng kể hội chứng chuyển hóa, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim và tiểu đường.
Cụ thể, vào cuối nghiên cứu, nhóm ăn hạn chế thời gian đã cải thiện về các dấu hiệu sinh học chính trong cơ thể liên quan đến lượng đường trong máu và cholesterol, cũng như điều hòa lượng đường trong máu lâu dài.
Họ cũng giảm cân, giảm mỡ bụng và chỉ số khối cơ thể nhiều hơn mà không mất khối lượng cơ, tất cả những điều này dẫn đến giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, họ cũng cải thiện đáng kể chỉ số đường huyết trung bình HbA1c, có nghĩa là giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc giảm sự tiến triển của bệnh tiểu đường, theo Science Alert.
Nhà sinh học Satchidananda Panda từ Viện Salk giải thích: "Sở dĩ thay đổi giờ ăn làm được điều tuyệt vời này là nhờ cơ thể xử lý đường và chất béo rất khác nhau tùy vào thời điểm trong ngày".
Theo các tác giả, đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn mà hầu hết mọi người đều có thể thử.
Giáo sư Pam Taub, bác sĩ tim mạch tại Đại học California, cho biết: "Bệnh nhân, mắc hội chứng chuyển hóa gặp phải các yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ bụng, mỡ máu cao, mức cholesterol tốt thấp. Nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng và mãn tính như đau tim, đột quỵ và tiểu đường".
Các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp này có thể là cách hay dễ thực hiện để điều trị hội chứng chuyển hóa, vì chỉ cần thay đổi giờ ăn mà không cần thay đổi về thức ăn, theo Science Alert.