Phát hiện nghĩa địa thằn lằn bay 100 triệu năm tuổi
Các nhà khoa học Chile đã khai quật được một bộ sưu tập xương hóa thạch thằn lằn bay cổ đại trên sa mạc khô cằn nhất thế giới Atacama.
Xương thằn lằn bay được khai quật tại nghĩa địa hóa thạch ở Chile. (Video: Reuters)
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Chile do nhà cổ sinh vật học Jhonatan Alarcon dẫn đầu đã tìm kiếm hóa thạch loài thằn lằn bay (Pterosaur) trong nhiều năm, nhưng phát hiện mới vượt qua cả sự kỳ vọng của họ.
"Khám phá kiểu này rất hiếm. Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, xương thằn lằn bay được tìm thấy đều bị cô lập hoặc không nằm theo nhóm lớn", Alarcon cho biết.
Địa điểm khai quật trên sa mạc Atacama chứa đầy xương của nhiều loài thằn lằn bay khác nhau. Nhiều mẫu vật trong đó được bảo quản rất tốt dù có niên đại cách đây tới 100 triệu năm.
Việc phát hiện cả một nghĩa trang hóa thạch sẽ cho phép các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu hành vi của Pterosaur chứ không chỉ về giải phẫu của chúng. "Chúng ta có thể xác định cách các nhóm thằn lằn bay hình thành nếu biết chúng có nuôi dưỡng con cái hay không", Alarcon nói thêm.
Mô phỏng một loài thằn lằn bay đang đi săn. (Ảnh: Warpaint)
Do thích nghi với cuộc sống bay lượn, xương của thằn lằn bay thường mỏng, dẹt và rỗng hơn các loài sống dưới mặt đất. Do đó, hóa thạch của chúng thường dễ gãy và khó lưu giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, các mẫu vật mới khai quật được bảo quản tốt đáng kinh ngạc, cho phép nhóm nghiên cứu phục hồi xương ba chiều của chúng. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giải phẫu của thằn lằn bay.
Khám phá mới ủng hộ giả thuyết cho rằng Pterosaur từng phân bố phổ biến ở miền bắc Chile vì nghĩa địa hóa thạch của chúng nằm cách một địa điểm khai quật xương thằn lằn bay khác chỉ khoảng 65km.
- Hóa thạch cú 6 triệu năm hoàn chỉnh đáng kinh ngạc
- Phát hiện bình thức ăn tỏa hương 3.400 năm trong hầm mộ Ai Cập
- Tìm thấy ngôi mộ 4.000 năm tuổi còn nguyên vẹn của nữ hoàng Ai Cập