Phát hiện nhiều hình vẽ cổ hơn 2.000 năm tuổi ở Peru
168 hình vẽ khổng lồ trên mặt đất (geoglyph) mới được phát hiện trong và xung quanh đồng bằng Nazca cổ đại của Peru và các khu vực lân cận, có niên đại hơn 2.000 năm.
Sau hai năm khảo sát thực địa bằng ảnh chụp từ trên không và máy bay không người lái, các nhà nghiên cứu của Peru và Nhật Bản từ Đại học Yamagata hồi đầu tháng 12 đã công bố báo cáo về việc phát hiện các hình vẽ này tại nơi được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO trên bờ biển phía Nam Thái Bình Dương của Peru, Reuters đưa tin hôm 19/12.
Các geoglyph, tức những hình vẽ khổng lồ trên sa mạc Nam Mỹ, có niên đại hơn 2.000 năm và mô phỏng con người, mèo, rắn, cá voi, chim và lạc đà bản địa.
Jorge Olano, nhà khảo cổ học đứng đầu chương trình nghiên cứu các hình vẽ khổng lồ ở Nazca, cho biết những hình vẽ mới được phát hiện có bề ngang trung bình từ 2 đến 6 m.
Mục đích của các hình vẽ này - thường chỉ có thể nhìn thấy từ trên không - vẫn còn là một bí ẩn.
Tuy nhiên, những hình vẽ mới được phát hiện có kích thước nhỏ hơn và có thể được nhìn thấy từ mặt đất, Masato Sakai, giáo sư từ Đại học Yamagata, người đứng đầu nghiên cứu, nói với Reuters.
Loạt di tích mang tính biểu tượng cho lịch sử phong phú của Peru, cách thủ đô Lima khoảng 3 giờ lái xe.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 190 hình vẽ trong khu vực kể từ năm 2004. Nhưng địa hình rộng lớn mà chúng bao phủ gây khó khăn cho những nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn khu di sản.
Phát hiện gần đây được cho là có thể mang lại thông tin mới về các tác phẩm nghệ thuật bí ẩn thời tiền Columbo và đã thu hút các nhà khoa học và du khách trong nhiều thập kỷ.
Các nghiên cứu từ Đại học Yamagata phối hợp với chính phủ Peru đã giúp khoanh vùng và bảo vệ khu vực đang đối mặt với các mối đe dọa từ sự phát triển kinh tế và đô thị.
“Một số hình vẽ địa lý có nguy cơ bị phá hủy do sự mở rộng gần đây của các xưởng khai thác mỏ trong công viên khảo cổ", giáo sư Sakai cho biết.