Phát hiện nhiều tranh tường hiếm trong mộ cổ ở Thiểm Tây, Trung Quốc
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc tìm thấy hai ngôi mộ hơn 1.000 năm tuổi chứa nhiều cổ vật và tranh tường hiếm có ở Thiểm Tây.
Theo báo cáo của Viện Khảo cổ Thiểm Tây (SAA) vào cuối tuần trước, hai ngôi mộ khổng lồ có niên đại từ thời nhà Đường (618 - 907) được khai quật tại ngôi làng Buli, cách thủ phủ Tây An khoảng 40km.
Tranh tường mô tả cảnh ca múa nhạc trong mộ cổ ở Thiểm Tây. (Ảnh: Xinhua).
Chúng nằm theo hướng bắc - nam và có chiều dài lên tới 42,5 và 33,5m. Trong đó, ngôi mộ nhỏ hơn được trang trí bởi loạt tranh tường mô tả nhiều cảnh tượng sống động khác nhau như ca múa nhạc, hay huấn luyện ngựa và lạc đà.
Chủ đề ca múa nhạc rất phổ biến trong các bức tranh từ thời nhà Đường nhưng cảnh tượng huấn luyện ngựa và lạc đà là rất hiếm thấy, SAA nhấn mạnh. Bức tranh được bảo quản trong tình trạng tốt, mô tả người huấn luyện với nét mặt đặc biệt, người hơi ngả về phía sau, tay phải vung roi và tay trái nắm dây cương khi cố gắng thuần hóa một con ngựa trắng.
Tranh tường mô tả cảnh huấn luyện ngựa. (Ảnh: CNS).
Bên cạnh các bức tranh tường, nhóm khảo cổ còn tìm thấy hơn 100 bộ di vật được chôn lấp trong hai ngôi mộ, hầu hết là tượng người đang đứng hoặc cưỡi ngựa.
Khám phá mới cung cấp những tư liệu lịch sử quan trọng cho việc nghiên cứu nghệ thuật tranh tường và phong tục xã hội của thời nhà Đường vào thời điểm đó.