Phát hiện nhóm tiểu hành tinh cổ nhất hệ Mặt Trời
Các nhà khoa học Pháp phát hiện một nhóm tiểu hành tinh cổ nhất hệ Mặt Trời ở vành đai tiểu hành tinh.
Phát hiện được các nhà khoa học tại Đại học Côte d'Azur ở Nice, Pháp công bố trên tạp chí Science, NBC News ngày 4/8 đưa tin.
Trong thời kỳ đầu của hệ Mặt Trời, chất liệu đá kết khối tạo thành vi thể hành tinh. Một số vi thể hành tinh hợp thành hành tinh trong khi đa số vi thể hành tinh tồn tại trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Các tiểu hành tinh hình thành do sự vỡ ra của vi thể hành tinh. (Ảnh: NASA).
Sử dụng một mô hình máy tính để nghiên cứu mặt trong của vành đai tiểu hành tinh, các nhà khoa học tìm các nhóm tiểu hành tinh phân bổ theo hình chữ V. Đây là cấu trúc của một vật thể gốc bị vỡ thành các mảnh và trôi dạt theo thời gian.
"Chúng tôi phát hiện một nhóm tiểu hành tinh 4 tỷ năm tuổi nằm dọc phần bên trong của vành đai tiểu hành tinh", nhà vật lý thiên văn Marco Delbo, tác giả chính của nghiên cứu, nói. Theo các nhà khoa học, hệ Mặt Trời hình thành cách đây khoảng 4,6 tỷ năm.
Nhóm này bao gồm 108 tiểu hành tinh tối màu, đường kính trung bình 11,5km. Tiểu hành tinh 282 Clorinde có kích thước lớn nhất, rộng khoảng 42km. "Phát hiện này cho phép chúng tôi xác định một số vi thể hành tinh ban đầu với kích thước đều lớn hơn 35km, đồng thời ủng hộ quan điểm các tiểu hành tinh được sinh ra với kích thước lớn".
Phát hiện nhóm tiểu hành tinh cổ hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành của các hành tinh như Trái Đất. Ngoài ra, hầu hết các tiểu hành tinh va vào Trái Đất xuất phát từ khu vực này, theo Delbo.
Nhóm tiểu hành tinh thường được đặt tên theo tiểu hành tinh lớn nhất, có khả năng là thiên thể gốc. Tuy nhiên, quy tắc này không được áp dụng cho nhóm tiểu hành tinh mới vì thiên thể gốc có thể đã bị kéo ra xa do lực hấp dẫn của các hành tinh sau vài tỷ năm.