Phát hiện trăm đồng bạc quý dùng để cứu Paris hơn 1.000 năm trước
Một kho chứa 118 đồng bạc được khai quật ở một khu rừng đông bắc Ba Lan hồi tháng 3 có thể là một phần của vụ hối lộ cách đây hơn 1.000 năm.
Các đồng bạc niên đại từ thế kỷ thứ 9 dưới thời Đế chế Carolingian. Đế chế Carolingian do Charles Đại đế thành lập, trải dài khắp phần lớn nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ và miền bắc Italia hiện nay.
Việc tìm thấy chúng ở Ba Lan là rất hiếm bởi khu vực này nằm ngoài biên giới của đế chế.
Hầu hết số bạc này được đúc dưới triều đại của hoàng đế Carolingian Louis the Pious, trị vì từ năm 814 tới năm 840. Số còn lại ra đời trong thời gian con trai ông là Charles the Bald trị vì từ năm 875 tới năm 877.
Các chuyên gia cho rằng số bạc này có nguồn gốc từ Truso - một trung tâm thương mại lớn của Bắc Âu vào những năm 800. Nhiều khả năng chúng là một phần của khoản tiền hối lộ khổng lồ bằng vàng và bạc do Charles the Bald trả để ngăn người Viking xâm lược cướp phá thành phố Paris.
Paris khi đó là thủ đô của Đế chế Carolingian.
Số đồng bạc này có thể nằm trong khoản tiền chuộc cứu Paris. (Ảnh: LS)
Mateusz Bogucki, nhà khảo cổ học tại Đại học Warsaw nói rằng còn quá sớm để biết chắc chắn, nhưng họ tin vào giả thiết này.
Nếu tiền xu không được sử dụng để hối lộ người Viking, sự hiện diện của chúng sẽ là bí ẩn. Vào thời điểm chúng được cất giấu, vương quốc Ba Lan thời trung cổ đầu tiên vẫn chưa được thành lập và các bộ lạc trong khu vực chủ yếu sử dụng đồng dirham bằng bạc của Ả Rập để đổi lấy nô lệ.
"Charles the Bald trả 7.000 livres hoặc hơn năm tấn bạc và vàng cho người Viking để họ không cướp phá Paris. Có thể những đồng xu được tìm thấy ở Biskupiec là một phần của khoản tiền chuộc đó", Bogucki nói.
Kho bạc được tìm thấy ở lưu vực sông Drwęca. Vị trí này có thể là bãi thả để những kẻ xâm lược lấy số hàng hối lộ.
Mặc dù khẳng định chắc chắn các đồng xu đúc trong Đế chế Carolingian, nhưng rất ít thông tin cho thấy chính xác nơi chúng được đúc.
Boguki hy vọng sẽ tìm ra nguồn gốc của số đồng bạc này bằng cách nghiên cứu hình dạng của các chữ cái Latinh khắc trên mặt và các đặc điểm khác của chúng.
- Bí ẩn "vùng chết chóc" dưới đại dương
- Loài cá Chiasmodon niger: Ác mộng dưới đáy biển sâu
- Cô gái 35.000 tuổi mang dòng máu 2 loài tiết lộ 2 lần biến đổi của con người