Phát hiện "vườn san hô" dưới hẻm núi ngầm
Các nhà thám hiểm thuộc Đại học Tây Australia tìm thấy một hệ sinh thái san hô chưa từng được biết đến dưới hẻm núi Bremer sâu 4.000m.
Khám phá được thực hiện bởi tàu nghiên cứu Falkor, dẫn đầu bởi nhà thám hiểm Julie Trotter, với sự hỗ trợ của thiết bị lặn điều khiển từ xa SuBastian do Viện Hải dương học Schmidt phát triển, có khả năng chụp ảnh và thu thập mẫu vật dưới vùng biển sâu tới 4.500m.
Hệ sinh thái san hô dưới hẻm núi Bremer. (Video: Newsweek).
Công viên Hải dương Bremer từ lâu được công nhận là một điểm nóng về đa dạng sinh học khi cung cấp môi trường sống và sinh sản cho rất nhiều loài sinh vật biển, bao gồm cả cá voi, cá mập và cá heo. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học biết đến sự tồn tại của khu vườn san hô dưới hẻm núi Bremer.
"Các rặng núi và vách đá dựng đứng tạo điều kiện cho cho san hô phát triển, cung cấp môi trường sống cho một loạt sinh vật và hình thành một hệ sinh thái nhỏ. Khám phá mới có ý nghĩa rất quan trọng với Công viên Hải dương Bremer", Trotter nhấn mạnh.
Nhiều loài san hô mới và mỏ hóa thạch san hô được tìm thấy ở đây.
Theo Tiến sĩ Paolo Montagna từ Viện Khoa học Địa cực, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, nhiều loài san hô mới và mỏ hóa thạch san hô đã được thiết bị lặn SuBastian tìm thấy trong chuyến thám hiểm, trong đó có một loài san hô dạng cốc đặc biệt sống đơn lẻ.
Dữ liệu thu thập được sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi vật lý ở Nam Băng Dương, bao gồm nhiệt độ, pH nước và chất dinh dưỡng. Điều này rất quan trọng đối với hệ thống khí hậu toàn cầu bởi Nam Băng Dương bao quanh hoàn toàn Nam Cực. Bên cạnh đó, các phân tích hóa thạch còn có thể giúp các nhà khoa học tái tạo hồ sơ môi trường sống dưới biển sâu trong nhiều thập kỷ, thế kỷ và thậm chí là hàng thiên niên kỷ.