Phi cơ năng lượng mặt trời bị rách
Một vết rách dài ở cánh khiến phi cơ năng lượng mặt trời Solar Impulse đáp xuống sớm hơn so với kế hoạch trong chuyến bay xuyên Mỹ cuối cùng hôm qua.
Solar Impulse, tên của máy bay 4 động cơ, đáp xuống phi trường John F. Kennedy tại thành phố New York, Mỹ vào 23h09 hôm 6/7 theo giờ địa phương (tức 11h09 hôm 7/7 theo giờ Hà Nội), AP đưa tin.
Máy bay Solar Impulse cất cánh tại thành phố Washington hôm 6/7. (Ảnh: Livescience)
Hơn 18 giờ trước đó, Solar Impulse rời thành phố Washington để thực hiện chuyến bay thứ ba, cũng là chuyến bay cuối cùng, trong quá trình thử nghiệm. Nó bay qua các bang Maryland, Delaware và New Jersey.
Lẽ ra Solar Impulse đáp xuống vào những giờ đầu tiên của hôm 7/7, song các nhà quản lý dự án quyết định rút ngắn thời gian của chuyến bay sau khi họ phát hiện một vết rách khoảng 2,5m ở bên dưới cánh trái.
Với sải cánh tương đương sải cánh của máy bay chở khách và khối lượng tương đương một xe hơi cỡ nhỏ, Solar Impulse là mẫu thử nghiệm của một một loại máy bay tiên tiến chỉ hoạt động nhờ ánh sáng mặt trời. Có thể loại máy bay đó sẽ xuất hiện trên bầu trời vào năm 2015.
Cảnh tượng máy bay Solar Impulse đáp xuống thành phố New York vào tối 6/7. (Ảnh: Livescience)
12.000 tấm pin mặt trời ở hai cánh sản xuất điện cho Solar Impulse. Chiều dài sải cánh của nó là 63m. Solar Impulse có thể bay ở độ cao 8.534m và đạt tốc độ trung bình 69km/h.
Dự án máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse bắt đầu từ năm 2003 với kinh phí trong 10 năm là 112 triệu USD. Mục tiêu của dự án là tăng cường nhận thức và sự ủng hộ của dư luận thế giới đối với các công nghệ năng lượng sạch.