Phi công ngắt nhầm nguồn điện khiến máy bay gặp nạn làm toàn bộ 72 người thiệt mạng ở Nepal
Nguyên nhân khiến máy bay thuộc hãng hàng không Yeti Airlines gặp nạn đã được Reuters đăng tải vào hôm 28/12 vừa qua.
Ngày 15/01/2023, một vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Yeti Airlines tại Nepal đã gây chấn động thế giới khi nó được cho là vụ tai nạn hàng không kinh hoàng nhất tại nước này trong vòng 30 năm trở lại đây.
Vào thời điểm xảy ra sự việc, chiếc ATR 72 do hãng Yeti Airlines vận hành đã bị rơi ngay trước khi hạ cánh xuống thành phố du lịch Pokhara và khiến cho toàn bộ 72 người có mặt trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ sơ sinh, 4 thành viên phi hành đoàn và 15 người nước ngoài.
Vụ tai nạn hàng không thảm khốc tại Nepal đã khiến cho 72 người thiệt mạng thương tâm.
Sau khi vụ việc diễn ra, đội cứu hộ đã ngay lập tức tìm thấy hộp đen máy bay ở khu vực xảy ra tai nạn. Gần 1 năm kể từ thảm kịch, nguyên nhân của vụ rơi máy bay đã chính thức được công bố.
Theo một báo cáo do hội đồng điều tra do chính phủ chỉ định, nguyên nhân khiến máy bay gặp sự cố là do phi công cắt nhầm nguồn điện dẫn đến tình trạng ngừng khí động học.
Dipak Prasad Bastola, kỹ sư hàng không kiêm thành viên hội đồng điều tra, cho rằng do thiếu nhận thức và thiếu quy trình vận hành tiêu chuẩn nên các phi công đã lựa chọn sai một cần gạt liên quan đến điều khiển nguồn năng lượng. Điều này khiến động cơ "chạy không tải và không tạo ra lực đẩy". Sau khi bay thêm 49 giây do động lượng còn sót lại trước sai lầm, máy bay lao xuống dưới.
Reuters cho biết, ATR có trụ sở tại Pháp và động cơ của máy bay được sản xuất tại Canada bởi Pratt & Whitney Canada (RTX.N) .
Các chuyên gia cho biết vụ tai nạn xảy ra là do sai lầm của phi công điều khiển máy bay.
Đây là vụ tai nạn hàng không nguy hiểm nhất ở Nepal kể từ năm 1992, khi chiếc Airbus A300 của hãng hàng không quốc tế Pakistan đâm vào sườn đồi trên đường tới Kathmandu, khiến toàn bộ 167 người trên máy bay thiệt mạng.
Gần 350 người đã thiệt mạng kể từ năm 2000 trong các vụ tai nạn máy bay hoặc trực thăng ở Nepal - nơi có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm Everest, cùng với những thay đổi thời tiết đột ngột có thể gây ra tình trạng nguy hiểm.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hãng hàng không của Nepal bay vào không phận nước này kể từ năm 2013 với lý do lo ngại về an toàn hàng không.
- Tại sao Nepal được coi là "tử địa" của máy bay chở khách?
- Vì sao hàng không Nepal gặp nhiều rủi ro nhất thế giới?
- Thanh niên không bằng cấp, chế máy "bắt suối nhả điện" giúp dân vùng cao