Vì sao hàng không Nepal gặp nhiều rủi ro nhất thế giới?
Nepal được xem là một trong những nơi nhiều rủi ro hàng không nhất thế giới với các vấn đề về hệ thống hàng không, địa hình khó khăn hiểm trở và thời tiết bất thường.
Vụ rơi máy bay chở 72 người tại Nepal cho thấy sự nguy hiểm khi di chuyển ở quốc gia được xem là một trong những nơi nhiều rủi ro hàng không nhất thế giới.
Sau khi cất cánh 18 phút, chuyến bay của hãng Yeti Airlines mất liên lạc với tháp điều khiển ở trung tâm Pokhara - thành phố đông dân thứ hai của Nepal và là cửa ngõ vào dãy Himalaya. Chiếc máy bay ATR 72-50 đã gần hoàn thành hành trình ngắn từ thủ đô Kathmandu đến Pokhara.
Vụ rơi máy bay khiến ít nhất 68 người thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn máy bay tồi tệ nhất ở Nepal trong 30 năm qua và vụ tai nạn hàng không tồi tệ thứ ba trong lịch sử nước này, theo dữ liệu từ mạng lưới an toàn hàng không.
Các chuyên gia cho biết điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tầm nhìn hạn chế và địa hình đồi núi đã khiến ngành hàng không của Nepal gặp nhiều nguy hiểm.
Người dân Nepal và đội cứu hộ tập trung gần khu vực máy bay rơi ở thành phố Pokhara vào ngày 15/1. (Ảnh: AP).
Địa hình trắc trở
Nepal - quốc gia có 29 triệu dân - sở hữu 8/14 ngọn núi cao nhất thế giới và là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch yêu thích đi bộ đường dài. Tuy nhiên, địa hình này khó điều hướng từ trên không, đặc biệt là khi thời tiết xấu và với các máy bay nhỏ.
Chẳng hạn, sân bay quốc tế đầu tiên của Nepal - Tribhuvan - nằm trong thung lũng hẹp, ở độ cao 1.338 m so với mực nước biển, do đó máy bay có không gian quay đầu rất hẹp.
Sân bay ở thị trấn Lukla, phía Đông Bắc Nepal, cũng được biết đến là sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Đường băng của sân bay này nằm trên vách đá giữa những ngọn núi, phía cuối đường băng là vực thẳm, theo CNN.
Thời tiết thất thường
Theo báo cáo an toàn hàng không của Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal năm 2019, “sự đa dạng về kiểu thời tiết kết hợp với địa hình trắc trở là những thách thức chính xoay quanh hoạt động hàng không ở Nepal. Trong đó, số vụ tai nạn liên quan đến máy bay cỡ nhỏ tương đối cao hơn”, Hindu Times đưa tin.
Điều kiện thời tiết khó đoán khiến đội ngũ phi hành đoàn gặp nhiều khó khăn. Thời tiết ở vùng núi thay đổi rất nhanh, những cơn bão lớn có thể ập đến bất ngờ. Tình hình càng khó hơn khi không có công nghệ radar phù hợp ở các sân bay.
Trong những trường hợp này, phi công phải dựa vào khả năng quan sát bằng mắt thường để điều hướng, đối phó với địa hình nguy hiểm và điều kiện thời tiết khó khăn.
Thiết bị không đảm bảo
Vào năm 2015, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, thuộc Liên Hợp Quốc, đã ưu tiên hỗ trợ Nepal thông qua chương trình Đối tác Hỗ trợ Thực hiện An toàn Hàng không. Quốc gia này đã có sự cải thiện về tiêu chuẩn an toàn trong những năm gần đây, song vẫn còn nhiều hạn chế.
Trang web theo dõi chuyến bay FlightRadar24 cho biết chiếc máy bay ATR 72 của Yeti Airlines trong vụ tai nạn hôm 15/1 đã hoạt động 15 năm, “được trang bị bộ phát đáp cũ với dữ liệu không đáng tin cậy”, AP đưa tin.
Loại máy bay ATR 72 được giới thiệu vào cuối những năm 1980 và là sản phẩm hợp tác giữa Pháp và Italy. Mẫu máy bay này liên quan đến một số vụ tai nạn chết người trong những năm qua, bao gồm 2 vụ ở đảo Đài Loan.
Ngoài ra, tờ Times Now cho biết Nepal thiếu đội ngũ nhân viên hàng không có trình độ cao và kỹ năng tốt. Trong khi đó, việc thiếu ngân sách càng làm tăng áp lực với những nhân viên trong ngành, một số người đôi khi phải thực hiện thêm nhiệm vụ, làm việc trong thời gian dài.
Theo Time of India, các nhà khai thác máy bay cũng cho biết Nepal thiếu cơ sở hạ tầng dự báo thời tiết, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa với địa hình đồi núi hiểm trở, nơi từng xảy ra các vụ tai nạn chết người trong quá khứ.
Tai tiếng trong ngành hàng không của Nepal lớn đến mức Ủy ban châu Âu đã ban lệnh cấm các hãng hàng không của nước này bay vào khối kể từ năm 2013.