Phi thuyền Nga bị nghi tàn sát linh dương
Giới khoa học nghi ngờ những vụ phóng và sự trở về của phi thuyền Nga là nguyên nhân khiến hơn chục nghìn con linh dương chết tại Kazakhstan.
>>> Linh dương quý hiếm châu Phi có nguy cơ bị tuyệt chủng
Vào hai tuần cuối của tháng 5/2010, người dân phát hiện hơn 12.000 con linh dương saiga (Saiga tatarica) chết tại Kazakhstan. Vào thời điểm đó, 12.000 tương đương 15% tổng số linh dương saiga trên toàn thế giới. Đúng một năm sau, người ta lại thấy xác của khoảng 450 linh dương saiga trong hai tuần cuối của tháng 5, Kazakhstan Today đưa tin. Rồi đúng một năm sau nữa, xác của gần 1.000 linh dương saiga lại được tìm thấy trong hai tuần qua.
Giới chuyên gia từng phỏng đoán tụ huyết trùng, một loại bệnh ở phổi do vi khuẩn gây nên, là nguyên nhân khiến linh dương saiga chết hàng loạt trong năm 2010 và 2011. Những con vật khỏe mạnh hiếm khi nhiễm vi khuẩn gây tụ huyết trùng, song nguy cơ nhiễm của những con có hệ miễn dịch yếu là rất cao.
Linh dương Saiga
Lần này Bộ Nông nghiệp Kazakhstan lại kết luận những con linh dương chết vì bệnh tụ huyết cầu, song họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh.
Một số nhà sinh thái tại Kazakhstan và Nga không đồng ý với kết luận của Bộ Nông nghiệp Kazakhstan. Họ cho rằng linh dương chết hàng loạt do cú tiếp đất của một phi thuyền Soyuz sau khi nó trở rời Trạm Không gian Quốc tế (ISS) hồi tháng 4. Theo họ, người dân phát hiện hơn 120 xác linh dương saiga gần làng Sorsha, nơi tàu Soyuz rơi xuống hồi tháng 4. Một số nhà khoa học khác lại nghĩ sân bay vũ trụ Baikonur ở miền trung Kazakhstan liên quan tới cái chết hàng loạt của linh dương, tạp chí Scientific America cho biết.
“Rất có thể các hóa chất mà tên lửa đẩy thải ra đã phát tán trong một khoảng không gian rộng lớn xung quanh sân bay vũ trụ và chúng đã giết những con linh dương”, nhà sinh thái Musagali Duambekov, thủ lĩnh của phong trào For a Green Planet, nói với Đài châu Âu Tự do.
Ngoài ra, theo Duambekov, thói quen sử dụng phân bón quá mức của người dân cũng có thể là yếu tố khiến hệ miễn dịch của động vật suy giảm.
Nhiều người cho rằng thảm kịch của linh dương xảy ra vì những nguyên nhân tự nhiên khác. Eleanor Milner-Gulland, người đứng đầu Liên minh Bảo tồn Linh dương Saiga, nhận định rằng có lẽ linh dương đã ăn quá nhiều thực vật ướt, thứ chứa nhiều vi khuẩn độc hại, trong mùa sinh sản. Phần lớn linh dương chết là những con cái vừa sinh con. Vì thế, sau khi ăn lá cây chứa vi khuẩn, hệ miễn dịch của chúng suy yếu khiến chúng ốm và chết. Những đứa con của chúng cũng chết theo do thiếu sữa.
Số lượng linh dương saiga trên khắp hành tinh từng lên tới vài triệu. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, nạn săn bắn tràn lan khiến số lượng của chúng giảm chóng mặt. Ngày nay, theo tính toán của giới khoa học, số lượng linh dương trong môi trường hoang dã vào khoảng 85.000 con. Chúng phân bố thành từng quần thể riêng biệt tại Nga, Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ. Hiểm họa chính đối với linh dương saiga chính là nhu cầu mua sừng của chúng ở châu Á. Người dân châu Á tin rằng sừng linh dương saiga có khả năng chữa được chứng đau đầu, sốt, viêm họng và nhiều bệnh khác.