Phụ nữ bền bỉ hơn nam giới trong các chuyến du hành vũ trụ
Cuộc nghiên cứu của Mỹ cho thấy hoạt động gene ở nam giới dễ bị gián đoạn hơn sau các chuyến du hành vũ trụ và mất nhiều thời gian hơn để họ quay về bình thường một khi trở lại Trái đất.
Các phi hành gia Christina Koch (trái) và Jessica Meir của Mỹ. (Ảnh: NASA).
Cuộc nghiên cứu do giáo sư Christopher Mason của Trường Y Weill Cornell ở New York (Mỹ) dẫn đầu phát hiện phụ nữ có sức chịu đựng bền bỉ hơn nam giới trong các sứ mệnh không gian và phi hành gia nữ hồi phục nhanh chóng hơn khi quay về địa cầu.
"Nam giới dễ bị ảnh hưởng hơn trong các chuyến du hành vũ trụ, và mức độ ảnh hưởng xảy ra cho hầu hết các dạng tế bào và thể hiện ở mọi số liệu", theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Communications về ảnh hưởng của các chuyến bay không gian đối với hệ miễn dịch ở người.
Để rút ra kết luận trên, đội ngũ của giáo sư Mason kiểm tra cách thức hệ miễn dịch phản ứng ở trường hợp hai nam, hai nữ trên sứ mệnh dân sự Inspiration4 của SpaceX quanh Trái đất vào năm 2021. Số liệu thu thập đã được so sánh với dữ liệu của 64 phi hành gia khác.
Kết quả cho thấy hoạt động gene ở nam giới dễ bị ảnh hưởng hơn nữ giới và mất nhiều thời gian hơn để cơ thể nam giới quay lại mức bình thường khi quay về Trái đất. Một trong các protein bị ảnh hưởng là fibrinogen, đóng vai trò then chốt cho quá trình đông máu.
"Cho đến thời điểm hiện tại, dữ liệu tổng hợp cho thấy các phản ứng của gene và phản ứng miễn dịch nhạy cảm hơn trong trường hợp nam giới", theo các nhà nghiên cứu.
Trong khi cần có thêm các cuộc nghiên cứu khác để xác nhận xu hướng trên, đội ngũ chuyên gia cho rằng phát hiện mới có thể được sử dụng trong hoạt động lựa chọn phi hành gia cho các sứ mệnh tương lai lên mặt trăng và xa hơn nữa.
- Lí do khiến NASA quyết định nam giới có thể không được du hành đến sao Hỏa
- NASA điều tra vụ phạm tội đầu tiên trên vũ trụ
- "Tắt" tạm thời kinh nguyệt của nữ phi hành gia trên vũ trụ