"Tắt" tạm thời kinh nguyệt của nữ phi hành gia trên vũ trụ
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu tác động của thuốc tránh thai tới chu kỳ sinh lý của các nữ phi hành gia ở trong các nhiệm vụ dài hơi như lên sao Hỏa.
Theo Science Alert, hệ thống xử lý chất thải trên trạm vũ trụ quốc tế ISS không được thiết kế để xử lý máu kinh, vì nhà vệ sinh được kết nối với hệ thống lọc lại nước tiểu thành nước uống. Vì vậy, ngày càng nhiều phi hành gia phải uống thuốc tránh thai để tạm dừng chu kỳ kinh nguyệt trong cả các chuyến du hành và các nhiệm vụ đào tạo, theo một báo cáo trên tạp chí Microgravity ngày 21/4.
Cách phổ biến nhất là uống một viên progesterone (một loại hormone có tác dụng ức chế rụng trứng). Một cách khác phổ biến thứ hai là đặt vòng trong tử cung, có thể an toàn trong vòng 3 đến 5 năm. Tuy nhiên khả năng ngăn chặn chu kỳ của phụ nữ phụ thuộc vào loại vòng được sử dụng. Hiện nay có hai loại: vòng đồng và vòng nội tiết, trong đó vòng nội tiết hiệu quả hơn.
Cấy dưới da là một lựa chọn khác, cho thời gian hiệu quả lên đến 3 năm. Và cuối cùng là tiêm thuốc tránh thai depo-provera. Đây là một mũi tiêm hormone tương tự progesterone. Nó cần được tiêm nhắc lại sau mỗi 12 tuần, hiệu quả từ 2 đến 3 năm.
Theo Kristin Jackson, một bác sĩ chuyên khoa sản và phụ khoa, các phương pháp tốt nhất là uống thuốc hoặc đặt vòng.
Nữ phi hành gia Terry Virts của NASA cùng các cộng sự. (Ảnh: NASA).
"An toàn tuyệt đối cho phụ nữ muốn tạm dừng chu kỳ kinh nguyệt của mình", bà cho biết. "Rất nhiều phụ nữ có chu kỳ phức tạp và không có lý do về y tế nào cho thấy cần phải có chu kỳ mỗi tháng".
Tuy nhiên, "điều quan trọng cần lưu ý là không có phương pháp nào đảm bảo có thể ngăn chặn tất cả các chu kỳ. Mỗi người một khác, nhưng có vài phương pháp đáng tin cậy hơn số còn lại", bà nói.
Những phương pháp đáng tin cậy nhất không đồng nghĩa với an toàn nhất. Bà lấy ví dụ phương pháp tiêm depo.
"Chúng tôi phải giám sát chặt chẽ những bệnh nhân đang trong quá trình tiêm, vì một trong những tác dụng phụ là gây loãng xương. Khi bạn sống trong môi trường vi trọng lực, loãng xương đã là một vấn đề có sẵn, nên liệu pháp tiêm sẽ không có lợi cho các phi hành gia".
"Các nghiên cứu về phụ nữ trong quân đội đã cho thấy rằng rất nhiều người muốn tạm dừng chu kỳ kinh nguyệt khi đang làm nhiệm vụ nên có thể suy rộng ra các nữ phi hành gia cũng vậy", tác giả của báo cáo Varsha Jain từ Trung tâm khoa học sinh lý người trên vũ trụ, Đại học Hoàng gia London cho biết.
Jain và nhóm của bà đã chỉ ra mối quan ngại khác: nơi chứa thuốc tránh thai trên tàu vũ trụ. Mang theo lượng thuốc tránh thai đủ dùng cho ba năm trên tàu vũ trụ là ý tưởng thiếu thực tế.
"Sẽ phải cần khoảng 1.100 viên thuốc cho 3 năm, làm tăng thêm khối lượng đóng gói cùng các yêu cầu xử lý rác thải cho chuyến bay", nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Ngoài ra còn có các báo cáo về tác dụng phụ gây loãng xương của các loại thuốc này. Do đó, đặt vòng hoặc cấy ghép dưới da sẽ là các phương pháp tốt nhất, thực hiện trước mỗi chuyến bay vào vũ trụ và không cần phải thay thế cho tới khi trở về Trái Đất.