Project Loon sử dụng trí tuệ nhân tạo để cố định vị trí, tự bắt gió để bay lên cao
Nhóm phát triển Project Loon của X (thuộc Alphabet, công ty mẹ của Google) tiết lộ rằng họ đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (cụ thể là machine learning) để giúp cố định vị trí của các khinh khí cầu phát Wi-Fi trong thời gian dài.
Thử nghiệm của X cho thấy trong không phận Peru, khinh khí cầu có thể giữ nguyên vị trí trong vòng 98 ngày ngay cả khi có gió mạnh và đổi hướng liên tục. Giải pháp trước đây của Google là sử dụng các thuật toán tĩnh để giữ vị trí nhưng cách này có nhiều hạn chế và không thể tự thay đổi tùy theo điều kiện thời tiết, thứ luôn chuyển biến bất ngờ ở độ cao hàng kilomet trên bầu trời, trong khi khí cầu lại dựa vào dòng di chuyển của không khí để bay.
Lộ trình đường bay của khinh khí cầu.
Trí tuệ nhân tạo giúp khinh khí cầu giữ nguyên vị trí trong thời gian dài hơn.
Nói thêm về việc sử dụng machine learning, Wired cho hay khinh khí cầu liên tục thu thập dữ liệu thời tiết và học từ chúng. Trong một trường hợp ví dụ, khinh khí cầu có thể biết khi nào thì gió không đủ mạnh để giữ cho hệ thống trôi nổi trên bầu trời. Lúc này, khinh khí cầu sẽ tạm thời bay về hướng Thái Bình Dương để bắt gió. Khí cầu thậm chí còn có thể cải thiện hành vi của chính mình sau khi dự đoán được điều gì sắp xảy ra. Chỉ trong vòng 14 ngày, khinh khí cầu đã tự điều chỉnh mình 20.000 lần trong hành trình đi từ bãi phóng ở Puerto Rico tới Peru.
Giải pháp trí tuệ nhân tạo mới không chỉ giúp khinh khí cầu giữ nguyên vị trí trong thời gian dài hơn mà còn giúp X cắt giảm chi phí và tăng tầm ảnh hưởng của dự án. Hãng sẽ không cần phải dùng quá nhiều khinh khí cầu để phát sóng Wi-Fi cho cùng một vùng diện tích, hoặc chỉ đơn giản là giữ nguyên số lượng khí cầu nhưng mở rộng ra nhiều nơi hơn.