Qatar - nơi có dân số kỳ lạ nhất thế giới
Dân số Qatar không cố định mà luôn thay đổi. Tốc độ nhanh tới nỗi việc thống kê dân số phải được tiến hành... mỗi tháng.
Nằm trên bán đảo Ả rập, đất nước Qatar với diện tích hơn 11.000km2 sở hữu nguồn dầu mỏ - khí đốt bậc nhất thế giới, là điểm đến của nhiều người. Khách du lịch có, dân làm ăn có, dân lao động thì càng không phải kể bởi... quá nhiều.
Tính theo GDP bình quân đầu người, Qatar là quốc gia có thu nhập cao nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Có người nói vui, muốn làm dân Qatar rất dễ, làm người Qatar (tiếng Anh gọi là Qataris) mới khó.
Thống kê dân số mỗi... tháng một lần
Người nhập cư ở Qatar cũng được tính vào dân số của nước này và chủ yếu làm công nhân trong lĩnh vực xây dựng - (Ảnh: Reuters).
Bất kỳ ai sống ở Qatar sẽ được tính vào dân số của nước này. Thực ra, cách tính này cũng không có gì là quá bất thường, thậm chí nó còn đúng theo nghĩa đen của dân số là "số người sinh sống trong một vùng địa lý hay không gian nhất định".
Tuy nhiên, lạ ở đây là cứ đúng mỗi tháng một lần, Qatar lại "kiểm đếm" dân số một lần do tốc độ thay đổi quá nhanh!
Càng lạ hơn nữa khi tỉ lệ không phải người Qatar luôn áp đảo trong các cuộc thống kê, chiếm hơn 80% dân số của quốc gia này. Thực tế này đã tồn tại kể lúc Qatar giành độc lập từ Anh năm 1971 đến nay.
Tính tới cuối tháng 5-2017, tổng dân số Qatar là 2.700.539 người, so với một tháng trước đó, dân số Qatar đã tăng hơn 25.000 người, theo Bộ phát triển kế hoạch và thống kê Qatar.
Còn tính từ đầu năm tới nay, dân số Qatar đã tăng thêm 124.358 người.
Điều này xuất phát từ việc dân số Qatar chủ yếu là người nhập cư hoặc là công dân của các nước nằm trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đến cư trú. Phần lớn là dân lao động đến từ các nước châu Á như Ấn Độ, Nepal, Philippines.
Tỉ lệ công dân Qatar dù không bất biến nhưng luôn ổn định, khoảng 313.000 người tính đến đầu 2017, chiếm khoảng 11,5% dân số. Đây là tỉ lệ thấp nhất kể năm 2004, thậm chí chỉ bằng một nửa số người nhập cư Ấn Độ (650.000 người).
Có một điều thú vị, không biết ngẫu nhiên hay có quy định bất thành văn mà tỉ lệ nam nữ ở Qatar luôn được duy trì ở mức 3 nam - 1 nữ.
Nói tới đây, tính ra nếu một người đặt chân tới Qatar và có cơ hội sống khoảng hơn 1 tháng, họ đã thành dân Qatar mà không biết.
Làm dân của nước có thu nhập cao nhất thế giới có sướng không? Sướng lắm, nhưng kiểu có tiếng mà chẳng có miếng bởi núi tiền kia đều nằm trong túi của các ông chủ người Qatar mất rồi.
Làm người Qatar khó lắm ai ơi
Cựu vương Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani (giữa). Năm 2013 ông nhường ngôi cho con cũng đồng thời là Quốc vương Qatar hiện nay Tamim bin Hamad Al Thani - (Ảnh: Reuters).
Vậy rốt cuộc Qataris là ai? Bỏ qua các yếu tố về lịch sử, bây giờ họ là các ông chủ giàu sụ của xứ dầu mỏ và những người mới nhập quốc tịch.
Trẻ em mới sinh ra ở Qatar, nếu không biết rõ cha hoặc mẹ sẽ không được tính là công dân của nước này. Trong khi đó, nếu có cha là người Qatar, đứa bé đó dù sinh ở đâu trên thế giới sẽ mặc nhiên trở thành công dân của nước này. Quy định này không áp dụng với cá nhân có mẹ là người Qatar.
Vậy một người nước ngoài bình thường, không thân thích gì ở Qatar muốn làm người Qatar có được không? Câu trả lời là được, nhưng cần cư trú ở nước này ít nhất 25 năm liên tục, thời gian đứt quãng không được quá 6 tháng, rồi cần phải biết tiếng Ả rập và có nghề nghiệp hợp pháp để tự nuôi sống bản thân. Nếu là công dân của khối Ả rập, chỉ cần mất 15 năm để nhập quốc tịch Qatar.
Vất vả là vậy, nhưng một khi trở thành công dân Qatar, những người này sẽ được chính quyền chăm chút rất tốt. Các công việc trong lĩnh vực công được trả lương rất cao; phúc lợi xã hội từ y tế đến giáo dục, lương hưu hay trợ cấp thất nghiệp được đảm bảo đầy đủ. Một số người nói, chính phủ Qatar tỏ ra rất mát tay và sẵn sàng dùng tiền để "mua" sự trung thành của công dân.
Linh hoạt nhưng chưa bền vững
Sự phát triển của Qatar có phần đóng góp của người nhập cư - (Ảnh: Reuters).
Chính quyền Qatar phải thừa nhận dân số tăng nhanh đang đặt ra nhiều thách thức với nước này từ cơ sở hạ tầng (nhà ở xã hội thu nhập thấp) đến khác biệt văn hóa, đặc biệt là kinh tế.
Không thể phủ nhận sự đóng góp của những người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Qatar. Tuy nhiên, "nếu vì bất kỳ lý do gì đó mà một số lượng lớn người nước ngoài rời bỏ Qatar, không chỉ năng suất lao động sụt giảm, các dự án bị trì hoãn mà tệ hơn sẽ tạo ra một sự suy giảm thứ cấp đối với nền kinh tế khi các khoản chi tiêu của họ bị mất đi", báo cáo phát triển con người của chính phủ Qatar năm 2015 viết. Nỗ lo này lý giải phần nào việc Qatar không trục xuất người dân trong GCC bất chấp đã bị Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cắt đứt quan hệ ngoại giao ngày 5/6.
Tính đến cuối năm 2016 có khoảng 2.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Qatar.