Quái thú khát máu mang khối u cổ xưa nhất Trái đất
Các nhà khoa học vừa tìm ra khối u sớm nhất trên Trái đất, xảy ra cách đây 255 triệu năm ở một loài sinh vật khổng lồ và nổi tiếng khát máu: Gorgonopsid.
Theo Daily Mail, sau khi cắt phần hàm hóa thạch 255 triệu năm của một sinh vật tiền sử có tên Gorgonopsid, các nhà khoa học đã phát hiện các lỗ hổng nhỏ hình tròn, dấu tích của một khối u lành. Họ chẩn đoán rằng sinh vật tiền sử này có thể đã bị một khối u răng, gọi là odontoma và là trường hợp khối u cổ xưa nhất trên thế giới.
Dấu vết u răng trên xương hàm của một con Gorgonopsid.
Phát hiện này được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Ung thư Y khoa Mỹ. Trước đó, khối u cổ xưa nhất từng được phát hiện là trường hợp khối u ở voi ma mút và nai sống trong kỉ Băng hà, cách đây khoảng 1 triệu năm.
Khối odontoma là một loại u có nguồn gốc từ răng, mà khi u đã phát triển đầy đủ thì thành phần chủ yếu của u là men, ngà và một phần tủy cùng xương răng. Hiện nay, các khối odontoma gặp khá nhiều ở các loài động vật có vú. Odontoma tuy được coi là lành tính nhưng nó gây đau, sưng, làm thay đổi vị trí của răng và các mô khác.
Hình ảnh mô phỏng một cặp Gorgonopsid.
Tiến sĩ Judy Skog thuộc viện Nghiên cứu Khoa học Mỹ cho biết: "Phát hiện này cho thấy nguyên nhân gây nên khối u không chỉ gắn với tình trạng của các loài vật hiện đại như người ta vẫn nghĩ".
Gorgonopsid là kẻ săn mồi nổi tiếng khát máu vào cuối thời kỳ Paleozoi – thời đại ngay trước khi xuất hiện khủng long. Chúng có thể dài tới hơn 3m, có phần đầu giống chó và hàm răng cực sắc nhọn.