Quái vật tiền sử dài gần 20 mét: Nỗi khiếp sợ cho mọi giống loài dưới nước
Với kích thước ngang bằng với một sân bóng cricket, chúng từng thống trị đại dương trong suốt hàng triệu năm, và là một trong những loài đi săn đáng sợ nhất.
Nghiên cứu mới đây cho thấy cá mập cổ đại Megalodon thậm chí còn lớn hơn những gì người ta nghĩ trước đây, với chiều dài lên tới 65ft (19,8 mét) thay vì 15,2 mét.
Cá mập cổ đại Megalodon có chiều dài lên tới 65ft (19,8 mét).
Như vậy, Megalodon có kích thước được ví ngang với một sân bóng cricket (bóng gậy), hay lớn gấp 3 lần so với một con cá mập trắng lớn nhất hiện nay.
Để phát hiện ra kích thước thực tế này, các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida (Mỹ) đã sử dụng các bản in 3D dựa trên mẫu răng hóa thạch của một con megalodon - loài thống trị các đại dương khoảng 3,6 triệu năm trước.
Bộ hàm của cá mập Megalodon được in 3D dựa trên các mẫu răng hóa thạch được tìm thấy.
Sau đó, họ dựa trên các phương trình và thuật toán nhằm xác định được kích thước thực tế của con "quái vật cổ đại" có thể lớn hơn so với những gì mà chúng ta từng biết đến.
Trên thực tế trong suốt một thế kỷ nay, các nhà khoa học vẫn luôn cố gắng tính toán kích thước thực tế của cá mập megalodon.
Nhưng do phần còn lại duy nhất được biết đến của giống loài đã tuyệt chủng chỉ là răng hóa thạch và một vài đốt sống, nên công việc trở nên vô cùng khó khăn.
Yếu tố đáng tin cậy nhất để phân tích về Megalodon đó là dựa trên những chiếc răng lớn mà chúng bị rụng, sau đó chôn vùi dưới lòng đại dương, trở thành hóa thạch.
Kích thước của "quái vật cổ đại" so với cá mập trắng và con người hiện nay.
Trước đây, hóa thạch Megalodon chỉ được so sánh với cá mập trắng lớn nhưng phân tích mới đã mở rộng ra 5 loài cá mập hiện đại, bao gồm cả hai phân loài cá mập mako vây ngắn và vây dài.
Việc tái tạo kích thước các bộ phận cơ thể của Megalodon sẽ tạo nền tảng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đặc điểm sinh lý của loài cá mập khổng lồ này, cũng như các yếu tố giải phẫu bên trong có thể hé lộ nguyên nhân tuyệt chủng của chúng.