Quần thể đá Stonehenge có thể đã được xây dựng để khuếch đại âm thanh trong các nghi lễ cổ xưa
Cho đến nay, Stonehenge vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp chính xác. Quần thể đá khổng lồ được xây dựng từ thời tiền sử tại đồng Salisbury (Wiltshire - Anh) đã khiến rất nhiều nhà khảo cổ học đau đầu, cũng như tốn nhiều giấy mực của những nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây cho rằng có thể Stonehenge được xây dựng để khuếch đại âm thanh nhằm phục vụ cho các nghi lễ cổ xưa.
Để tái tạo lại những đặc tính âm thanh của vòng đá Stonehenge được xây dựng vào khoảng 2.500 năm trước công nguyên, các kỹ sư âm thanh của trường Đại học Salford (Manchester) đã xây dựng mô hình 1:12 và đặt tên cho nó là Minihenge. Kết quả của nghiên cứu này cũng được công bố trên tạp chí Khoa học Khảo cổ.
Mô hình Minihenge.
“Tái tạo và thử nghiệm mô hình Minihenge tốn rất nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên nó sẽ giúp chúng ta hiểu được rất nhiều về các “kỹ thuật” âm thanh của thời tiền sử” - trưởng nhóm nghiên cứu Trevor Cox cho biết. “Vì quá nhiều phiến đá bị thất lạc hoặc bị dịch chuyển, kiến trúc Stonehenge hiện nay đã khác biệt rất nhiều so với thời tiền sử”.
Nhờ vào công nghệ quét laser được thực hiện bởi nhóm khảo cổ thuộc tổ chức chính phủ Anh, Cox và nhóm của ông đã sao chép chính xác không gian và vị trí các khối đá bằng kỹ thuật đồ họa vi tính và in 3D. Những viên đá bị thất lạc cũng được thêm đầy đủ vào nơi được cho là vị trí ban đầu của chúng theo sơ đồ nghiên cứu, tổng cộng lên đến 157 viên.
Các nhà khoa học sau đó đã thử nghiệm mô hình bằng cách đặt loa và microphone xung quanh nó.
Những “viên đá” giả lập này sẽ giúp cho kết quả nghiên cứu được chính xác hơn so với những mẫu tái hiện trước đây, ví dụ như mẫu tái hiện ở Maryhill (Washington).
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Âm thanh của trường đại học Salford sau đó đã thử nghiệm mô hình bằng cách đặt loa và microphone xung quanh nó. Âm thanh được sử dụng để thử nghiệm cũng có tỷ lệ 1:12 như mô hình nhằm mang đến kết quả đo đạc chính xác nhất.
Nghiên cứu cho thấy nếu âm thanh được phát ra từ giữa quần thể đá Stonehenge thì nó sẽ được vang vọng lớn hơn nhờ cấu trúc các cột đá xung quanh. Thử nghiệm trên mô hình còn giúp các nhà khoa học kết luận được rằng âm thanh phát ra từ bên trong Stonehenge sẽ được khuếch đại nội chỉ bên trong quần thể đá, mặt khác âm thanh bên ngoài sẽ không thể lọt vào trong cũng như bên trong ra ngoài. Điều này có nghĩa là những ai ở bên ngoài Stonehenge sẽ khó có thể nghe thấy được âm thanh bên trong.
Cox nói thêm: “Ta sẽ nghĩ rằng âm thanh bị mất đi một cách khó hiểu, tuy nhiên thực ra điều này là do cấu trúc các cột đá đã khiến âm thanh bị dội ngược liên tục. Thật tuyệt vời nếu ta có thể cảm nhận được không gian âm thanh bên trong Stonehenge thực sự ra sao”.
Vị trí đặt của những viên đá cho phép khuếch đại giọng nói con người lên khoảng 4dB nhưng không tạo ra âm vang. Tiếng nhạc và các âm thanh khác được biến đổi để ngay cả những người ở vòng đá ngoài cùng của Stonehenge vẫn có thể nghe thấy rõ giọng nói của người ngồi chính giữa vòng tròn, trong khi người bên ngoài Stonehenge lại không thể nghe rõ.
Cấu trúc của Stonehenge đòi hỏi rất nhiều nhân lực để có thể hoàn thành.
Điều này cho thấy các nghi lễ được tổ chức bên trong Stonehenge rất có thể chỉ thuộc các “hội kín”, hoặc chỉ dành cho những người được chọn, dù cấu trúc của Stonehenge đòi hỏi rất nhiều nhân lực để có thể hoàn thành.
Các khoa học gia thử nghiệm thêm bằng cách thay đổi thiết lập vị trí các phiến đá do các chuyên gia vẫn tin rằng cấu trúc Stonehenge chắc chắn đã được thay đổi nhiều lần từ suốt thời tiền sử đến nay. Lạ một điều rằng dù có thay đổi vị trí cột đá như thế nào chăng nữa thì các khác biệt âm học bên trong Stonehenge vẫn không khác đi nhiều, chí ít là không thể nhận biết được bởi tai người.
Dù có thay đổi vị trí cột đá như thế nào chăng nữa thì các khác biệt âm học bên trong Stonehenge vẫn không khác đi nhiều.
Tuy âm thanh cũng là một yếu tố quan trọng trong nhu cầu xây dựng thời cổ đại nhưng đa số các chuyên gia vẫn cho rằng Stonehenge có ý nghĩa về mặt chiêm tinh nhiều hơn. Những bí ẩn về tính chất âm học của Stonehenge do đó vẫn chưa được chú ý nhiều.
Quần thể Stonhenge có thể được sử dụng như nhạc cụ dạng bộ gõ để tạo ra các tiếng giống cồng chiêng kim loại.
Một số suy đoán cũng cho rằng việc lựa chọn những viên đá có kích thước nhỏ để sử dụng trong quần thể Stonehenge chính là vì tính chất âm học của chúng. Chúng có thể được sử dụng như nhạc cụ dạng bộ gõ để tạo ra các tiếng giống cồng chiêng kim loại. Giả thuyết này đã được thử nghiệm hồi năm 2013 bởi các nhà nghiên cứu của trường Đại học Nghệ thuật Hoàng Gia London khi họ “đánh” các phiến đá trong Stonehenge như một chiếc xylophone.
Cũng theo kết quả nghiên cứu được đăng trong Time & Mind: The Journal of Archaeology, Consciousness, and Culture, tính chất âm học của những phiến đá Stonehenge thời tiền sử có thể còn rõ rệt hơn nhiều lần so với hiện nay, khi chúng chưa được gia cố lại bằng bê tông cốt thép.