QZ8501 có thể là điển hình của loại nguy cơ mới với hàng không
Các vụ tai nạn xảy ra với phi cơ bay qua vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, như thảm họa QZ8501 hồi tháng 12, đang xảy ra với tần suất đủ để buộc ngành hàng không cần phải bổ sung thông tin về nguy cơ rủi ro.
Cơ quan điều tra tai nạn Pháp (BEA) từng cảnh báo sự cần thiết phải chuẩn bị cho các phi công cách điều khiển phi cơ bay ở tầm cao, khi công bố báo cáo về vụ tai nạn Air France 447 vào năm 2012. So sánh với vụ việc của QZ8501 tháng trước, vấn đề này rõ ràng đã trở thành một điểm yếu của hoạt động hàng không.
Hình ảnh phần thân QZ8501 dưới đáy biển Java do một thiết bị điều khiển từ xa hoạt động dưới nước (ROV) thuộc tàu MV Swift Rescue của Hải quân Singapore chụp hôm 14/1. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, các nhà điều tra Indonesia đã chính thức thông báo rằng họ chưa công bố ngay báo cáo sơ bộ theo thực tế về QZ8501. Do đó, các đơn vị vận hành có thể phải đợi thêm tối đa hai năm trước khi biết những mối lo ngại của BEA có được phản ánh trong trường hợp này hay không.
Có ba tai nạn hàng không trong 10 năm qua có thể so sánh với thảm họa QZ8501 trên biển Java. Chúng lần lượt là phi cơ McDonnell Douglas MD-80 của Swiftair/Air Algerie mất liên lạc trên không phận Mali tháng 7/2014, chuyến bay AF447 của Air France gặp nạn trên nam Đại Tây Dương hồi tháng 6/2009 và một phi cơ trong dòng MD-80 của West Caribbean Airways gặp nạn trên biển Carribean hồi tháng 8/2005.
Cả 4 vụ đều xảy ra khi phi cơ bay qua các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới và phi công đang chuyển hướng bay tránh thời tiết xấu. Các phi cơ đều mất kiểm soát và không thành viên tổ bay nào thực hiện cuộc gọi khẩn cấp.
Mảnh vỡ máy bay Air Algerie ngổn ngang tại hiện trường hồi tháng 7/2014. (Ảnh: AFP)
Xem xét ở thời gian xa hơn nữa, không có những vụ tai nạn với hoàn cảnh tương tự xảy ra, dù các chuyến bay trong thời gian đó cũng bay qua vùng nhiệt đới như bây giờ. Như vậy thời tiết nhiệt đới dường như là yếu tố "hiện đại" gây tai nạn, trong khi việc mất kiểm soát chuyến bay (LOC-I) ngày nay đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) coi là rủi ro hàng không lớn nhất đối với sinh mạng, trái ngược so với trước những năm 1990.
Có sự giống nhau bất thường giữa những vấn đề phi cơ của AirAsia và Air France gặp phải trong hai tai nạn. Cả hai phi công đều bất ngờ chọn tăng độ cao, với mức độ ước tính lần lượt là 1,8km/phút và 2,1km/phút cho QZ8501 và AF447, tại độ cao mà khả năng máy bay đáp ứng được yêu cầu mà các phi công đặt ra là điều không tưởng. Phi cơ trong vụ AF447 bị chết máy toàn bộ suốt 46 giây và tổ bay đã không thực hiện quy trình khôi phục động cơ.
Khi công bố những khuyến nghị để huấn luyện phi công, BEA đưa ra một danh sách các hành động cần được thực hiện. Chúng bao gồm đào tạo khôi phục chết máy ở tầm cao cũng như tầm thấp, thực hành bay theo quy luật luân phiên (ALT), luyện tập với các thông số tiệm cận mức nguy hiểm cho phép, thực hiện các bài tập bay để kiểm tra xem phi công có hiểu nguyên lý khí động học trong thực tế cũng như trên lý thuyết không, đưa vào thêm sự cố bất ngờ trong bối cảnh huấn luyện thường xuyên để chuẩn bị cho các phi công, với từng cá nhân cũng như phi hành đoàn, để phản ứng bình tĩnh với điều bất ngờ.
Trục vớt cánh sau của máy bay Air France trên biển. (Ảnh: Reuters)
BEA chỉ ra rằng, nếu chế độ tự động gặp vấn đề, như trong trường hợp AF447, phi công sẽ không còn lựa chọn nào khác. Do đó, họ nên được lưu ý trong mô hình giả lập về cách thức ứng xử trong trường hợp này.
Trên nhiều diễn đàn trực tuyến, các phi công còn nhắc về "Góc quan tài", thuật ngữ chỉ độ cao giới hạn mà tại đây nhiều yếu tố giao thoa khiến máy bay bị mất kiểm soát và dễ bị rơi tự do theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên, theo BEA, họ cần phải được lưu ý xem nên làm gì khi giới hạn bị vi phạm một cách chủ ý, bởi việc khôi phục hoạt động của động cơ là gần như hoàn toàn có thể nếu áp dụng đúng quy trình.