Rò rỉ khí độc tại Union Carbide - Thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới
Gần 40 năm trước, nhà máy thuốc trừ sâu ở Bhopal phun khí độc vào môi trường xung quanh, khiến hàng nghìn người tử vong ngay lập tức và nhiều ca chết trẻ khác.
Năm 1984, một thành phố ở Ấn Độ trải qua tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trên Trái đất. Thảm họa diễn ra vào tối ngày 3/12 năm đó, khi nhà máy thuốc trừ sâu Union Carbide ở Bhopal rò rỉ khoảng 40 tấn methyl isocyanate, một loại khí cực độc với mùi hăng nồng khắp bán kính 7km quanh cơ sở, theo IFL Science.
Phế tích của nhà máy Union Carbide ở thành phố Bhopal. (Ảnh: Paulose NK).
Đám mây khí lơ lửng gần mặt đất và tràn qua những khu nhà rẻ tiền bao quanh nhà máy. Những nạn nhân tiếp xúc với khí độc quằn quại vì đau đớn và tử vong sau khi nôn mửa dữ dội, mắt bỏng rát và miệng sùi bọt mép. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, có 7.000 người chết trong 3 ngày tiếp theo và vô số người khác bị thương. Đây chỉ là khởi đầu của cơn ác mộng. Trong 3 thập kỷ sau đó, khoảng 30.000 ca tử vong trong vùng được cho là liên quan tới tai nạn, do ảnh hưởng lâu dài của vụ rò rỉ hóa chất đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Hồi tháng 6/2023, nhóm nghiên cứu ở Đại học California San Diego công bố một bài báo xem xét tác động kéo dài của thảm họa và kết luận ảnh hưởng của nó sâu rộng hơn nhiều so với ước tính trước đây. Để rút ra kết luận này, nhóm nghiên cứu khảo sát 47.817 người trong độ tuổi 15 - 49 tuổi sống ở Madhya Pradesh từ năm 2015 đến năm 2016, cũng như dữ liệu kinh tế xã hội về 13.369 người đàn ông sinh trong khoảng thời gian năm 1960 - 1990, kết hợp dữ liệu về 1.250 người sinh giữa năm 1981 và 1985 trong phạm vi 250 km tính từ Bhopal.
"Có những hệ quả sức khỏe kinh niên và dài hạn nghiêm trọng đối với hàng nghìn người sống sót, bao gồm bệnh hô hấp, thần kinh, cơ xương, nhãn khoa và nội tiết", Prashant Bharadwaj, đồng tác giả nghiên cứu kiêm giáo sư ở khoa Kinh tế của Đại học California San Diego, cho biết.
Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng dài hạn qua nhiều thế hệ của thảm họa, đặc biệt ở trẻ sinh vào thời điểm xảy ra tai nạn. Sau vụ rò rỉ, tỷ lệ sảy thai tăng gấp 4 lần, nguy cơ thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh cũng tăng lên.
Nhiều nạn nhân của vụ tai nạn vẫn tìm kiếm công lý. Năm 1989, Union Carbide đồng ý chi trả 470 triệu USD cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ rò rỉ ở nhà máy. Các nhà vận động vẫn nỗ lực kêu gọi bồi thường nhiều hơn, nhưng đó là một cuộc chiến khó khăn. Hồi tháng 3/2023, Tòa án Tối cao Ấn Độ bác đơn yêu cầu bồi thường nhiều hơn. Nhóm chuyên gia ở Đại học California San Diego hy vọng nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ Open của họ có thể cung cấp thêm bằng chứng cần thiết để xác định mức độ thiệt hại thực sự từ thảm họa.