Robot Nhật Bản sẽ đáp xuống Mặt trăng năm 2022
Robot có đường kính 80 mm và chỉ nặng 250 gram, có thể thay đổi hình dạng để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt của Mặt trăng.
Trạm đổ bộ HAKUTO-R của công ty iSpace sẽ chở robot kích thước tương đương quả bóng chày của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lên Mặt trăng, Space hôm 27/5 đưa tin. JAXA sẽ sử dụng robot này để chụp ảnh và thu thập dữ liệu về bụi Mặt trăng - loại vật chất gây khó khăn cho cả con người và máy móc khi hoạt động ở vùng đất ngoài hành tinh này.
Mô phỏng trạm đổ bộ HAKUTO-R đáp xuống Mặt trăng. (Ảnh: iSpace).
Robot JAXA có vẻ là phương tiện thứ hai trên trạm đổ bộ HAKUTO-R vì tháng trước, iSpace thông báo sẽ đưa Rashid, robot của UAE, lên Mặt trăng. Nếu thành công, Nhật Bản và UAE sẽ trở thành hai nước tiếp theo có tàu hạ cánh xuống thiên thể này sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.
Robot JAXA vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa có nhiều thông tin được tiết lộ. Cơ quan này cho biết, robot mang hình cầu với đường kính 80 mm, có thể biến hình và lăn trên mặt đất bằng hai bánh xe. Các công ty Sony, TOMY và Đại học Doshisha cũng tham gia quá trình phát triển robot.
Thiết kế robot hình cầu nhỏ gọn của JAXA. (Ảnh: JAXA).
Robot biến hình sẽ cực kỳ nhỏ gọn và nhẹ, có thể hoạt động trong môi trường Mặt trăng khắc nghiệt, theo JAXA. Nó chỉ nặng khoảng 250 gram, giúp giảm khối lượng phải vận chuyển lên Mặt trăng. JAXA cũng hy vọng robot sẽ đóng góp vào các nhiệm vụ khám phá thiên thể này trong tương lai.
Đại diện iSpace cũng miêu tả robot của JAXA nhỏ gọn và có hai bánh xe. Công ty này sẽ dùng trạm đổ bộ HAKUTO-R để giám sát quá trình robot liên lạc và vận hành trong thời gian thám hiểm bề mặt Mặt trăng.
Công nghệ trao đổi thông tin từ xa của iSpace cũng sẽ hỗ trợ cho kế hoạch triển khai Lunar Cruiser của JAXA. Lunar Cruiser là xe thám hiểm cỡ lớn dành cho các phi hành gia, dự kiến sẵn sàng chạy trên Mặt trăng vào năm 2029. iSpace cũng có thể sẽ nghiên cứu công nghệ vận hành và lái xe tự động.