Robot thám hiểm vũ trụ hình cầu
Thế hệ robot thám hiểm mới do các nhà khoa học ở Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) và Phòng thí nghiệm Sức đẩy bằng phản lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hợp tác phát triển trông giống quả chùy - vũ khí tấn công thời xưa (ảnh), gọi là robot "nhím".
Các robot này sẽ theo tàu không gian Photos Surveyor dùng thám hiểm Mặt trăng hoặc các hành tinh khác trong tương lai. Khi đang bay lơ lửng trên quỹ đạo của hành tinh nào đó, "tàu mẹ" Photos Surveyor sẽ triển khai 5-6 robot "nhím" và chúng sẽ lăn hoặc nhảy trên bề mặt của hành tinh. "Tàu mẹ" sẽ giữ liên lạc với từng robot "nhím" để xác định vị trí của chúng cũng như chọn điểm đến tiếp theo cho chúng.
Thế hệ robot "nhím" sẽ là thiết kế được các nhà thám hiểm ưa chuộng vì chúng có khả năng di chuyển trên nhiều địa hình, như dễ dàng băng qua các hẻm núi và nhiều chướng ngại vật khác nhau. Mỗi robot chứa 3 dĩa, xoay được trên cả 3 trục, cho phép chúng quay tròn ở các tốc độ khác nhau để tạo ra nội lực giúp nó di chuyển. Nhờ đó, một vòng quay nhanh có thể giúp nó nhảy lên và tốc độ quay tăng mạnh sẽ làm nó nhảy tới và có thể di chuyển khắp hành tinh. Cách "đi" này giúp nó không cần nhiều năng lượng khi thám hiểm các hành tinh.
Hiện nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford đã tạo ra robot "nhím" nguyên mẫu và đang chuẩn bị thử nghiệm chúng trong môi trường trọng lực thấp giống ở các hành tinh khác ngoài Trái đất.