Robot thằn lằn - thiết bị chuyên dụng trên vũ trụ ở tương lai
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 2/1 cho biết, đã chế tạo thành công mô hình robot thằn lằn chuyên dụng để tiến hành hoạt động sửa chữa trên vũ trụ.
Robot thằn lằn này có sáu chân là những trụ đỡ sẽ được trang bị một hệ thống "bám" đặc biệt trên các bề mặt bằng phẳng, giống như những con tắc kè.
Theo ESA, đến nay, các nhà khoa học mới chỉ chế tạo được mô hình robot nặng 240g.
Mô hình robot thằn lằn - (Ảnh: esa.int)
Sáu chân nhỏ của robot được cấu tạo từ những vi sợi có đường kính nhỏ hơn 1.000 lần so với sợi tóc con người.
Tuy nhiên, như vậy đã đủ để giữ được một robot nhỏ trên những bề mặt bằng phẳng khác nhau.
Ngoài ra, cấu trúc những chiếc chân nhỏ như vậy cho phép robot di chuyển dễ dàng từ bề mặt phẳng này sang bề mặt khác, thậm chí là bề mặt vuông góc 90 độ.
Nhà khoa học Mike Henvey đến từ Đại học Simon Fraser của Canada, phụ trách nhóm chế tạo robot, nhấn mạnh các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp mô phỏng sinh học để chế tạo một con thằn lằn nhân tạo như trên.
Các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Hà Lan cho thấy mô hình robot thằn lằn này hoàn toàn có thể di chuyển trên những bề mặt phẳng trong điều kiện gần giống trên vũ trụ.
Các nhà khoa học không loại trừ khả năng robot thằn lằn còn có thể thực hiện được nhiều chức năng khác nữa.