Rossetta chụp được cảnh đang hình thành sao chổi
Khi đang trên đường đến "điểm hẹn" với sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko (67P), tàu vũ trụ Rossetta của ESA cuối cùng đã phát hiện ra mục tiêu và một đầu sao chổi - vầng sáng mờ được tạo ra bởi băng và bụi đang phát triển quanh nhân của 67P do bị ấm lên khi nó tiến gần Mặt Trời. Nằm tại vị trí cách Mặt Trời 600 triệu km, cơ hội được quan sát thời điểm bắt đầu hình thành đầu sao chổi tại khoảng cách như vậy hứa hẹn sẽ mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về vòng đời của một sao chổi khi nó hành trình vào hệ Mặt Trời.
>>> Sao chổi đã lọt vào tầm ngắm của Rosetta
Giáo sư Chris Castelli - giám đốc chương trình tại Cơ quan vũ trụ Anh cho biết: "Rosetta là một sứ mạng lớn đối với nước Anh vì vậy chúng tôi rất thích thú khi được nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của sao chổi 67P khi nó đang hình thành đầu sao chổi. Được chế tạo và thiết kế chủ yếu tại Anh, các nhà khoa học tại đây đã làm việc với 10 trang thiết bị trên tàu và chúng tôi mong muốn tạo nên lịch sử với việc theo dõi sự tiến triển của sao chổi này khi nó bay quanh Mặt Trời".
Kể từ khi rời Trái Đất vào tháng 3/2004 và vừa được tái kích hoạt sau 31 tháng rơi vào trạng thái tạm nghỉ, Rosetta đã trải qua hơn 10 năm trong sứ mạng kéo dài 11 năm để gặp gỡ sao chổi 67P. Vào thời điểm gặp mặt, hành trình mà Rosetta trải qua là hơn 6 tỉ km, 4 lần bay qua các hành tinh trong đó 3 lần bay qua Trái Đất và 1 lần qua sao Hỏa để bổ sung vận tốc nhờ lực hấp dẫn từ các hành tinh này và thực hiện một cuộc hành trình đầy nguy hiểm xuyên qua vành đai thiên thạch.
Hệ thống ảnh hóa OSIRIS trên tàu hiện đã bắt đầu ghi lại hình ảnh các khí bay hơi bốc lên từ bề mặt của 67P - thứ kéo theo các cơn sóng chứa vô số hạt bụi nhỏ để hình thành một đầu sao chổi xung quanh nó. Điều này khiến các nhà khoa học rất phấn khích với viễn cảnh tàu thăm dò Philae và gói công cụ Ptolemy sẽ được phóng thích từ Rosetta và hạ cánh xuống bề mặt của sao chổi 67P vào cuối năm nay.
Rosetta thả tàu thăm dò Philae xuống bề mặt 67P
"Thật sự tuyệt vời khi được thấy những hình ảnh này và chứng kiến sự bắt đầu của giai đoạn hoạt động của sao chổi. Nhóm nghiên cứu bộ công cụ Ptolemy không thể chờ đợi lâu hơn được nữa để có thể bắt đầu thăm dò bề mặt và thực hiện các đo đạt trên thân của sao chổi này", giáo sư khoa học hành tinh tại đại học Mở Anh quốc - Ian Wright cho biết.
Những quan sát trước đây về 67P đã tiết lộ rằng nó đã thay đổi độ sáng theo định kỳ mỗi vài giờ, qua đó nhóm nghiên cứu hệ thống ảnh hóa OSIRIS có thể xác định chính xác hơn về chu kỳ tự quay của sao chổi. Kết quả cho thấy 67P quay hết 1 vòng mất 12,4 giờ, ngắn hơn 20 phút so với những gì họ đã ước lượng.