Sao neutron có từ trường mạnh gấp 1.000 lần thông thường
Các nhà thiên văn học NASA phát hiện một ngôi sao neutron rất trẻ và mạnh mẽ, cách Trái Đất khoảng 16.000 năm ánh sáng.
Sao neutron là phần lõi còn sót lại sau khi một ngôi sao khổng lồ phát nổ. Với bán kính chỉ vài chục kilomet nhưng nặng gấp 1,35 - 2,1 lần Mặt Trời, chúng được biết đến là một trong những vật thể dày đặc nhất trong vũ trụ, nơi có lực hấp dẫn mạnh đến mức khiến các nguyên tử hoạt động theo một cách kỳ lạ.
Mô phỏng các đường sức từ của Swift J1818.0-1607. (Ảnh: UPI).
Ngôi sao mới được phát hiện bởi Đài thiên văn Neil Gehrels Swift đặc biệt khác thường. Nó rất trẻ và mạnh mẽ, ước tính chỉ mới 240 năm tuổi và có từ trường mạnh gấp 1.000 lần so với các ngôi sao neutron điển hình. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho vật thể là Swift J1818.0-1607 và phân loại nó vào nhóm sao từ.
Trong số 3.000 sao neutron được khám phá cho tới nay, các nhà thiên văn học chỉ xác định được 21 sao từ. Chúng là dạng sao neutron hiếm có thể nắm giữ câu trả lời cho vô số bí ẩn của thể giới vật chất.
"Nghiên cứu về sự hình thành của những vật thể này có thể giúp chúng ta hiểu tại sao có sự chênh lệch lớn giữa số lượng sao từ trên tổng số sao neutron được biết tới", nhà thiên văn học Nanda Rea tại Viện Khoa học Vũ trụ ở Barcelona, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Các sao từ đều thay đổi khi "già đi" nên việc phát hiện một trong những vật thể trẻ nhất của loại sao này sẽ giúp các nhà khoa học hoàn thiện mô hình của chúng.
Giống như hầu hết các sao từ, Swift J1818.0-1607 là một nguồn phun trào tia X cực kỳ mạnh mẽ, khiến nó sáng hơn ít nhất 10 lần bình thường. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch điều chỉnh kính viễn vọng của họ để theo dõi các đợt phun trào tia X trong thời gian tới.
- Làm sao để đưa Trạm Vũ trụ Quốc tế về lại Trái đất?
- Loài vẹt siêu hiếm đang khiến các nhà khoa học phải bó tay "bảo sao mà sắp tuyệt chủng"
- Tại sao một số cơ quan trên cơ thể có khả năng tái tạo, còn số khác thì không?