Siêu vật liệu mới làm sạch hiệu quả phóng xạ gây ung thư
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã phát triển thành công một loại vật liệu mới có thể hấp thụ chất phóng xạ cesium hòa tan trong đất hoặc nước ô nhiễm với hiệu quả gấp 40 lần so với chất làm sạch cesium hiện hành.
Theo hãng tin KBS ngày 16/6 cho biết, mới đây Giáo sư Yoon Kyung-byung, Đại học Sogang và Phó Giáo sư Hwang In-chul, Trung tâm Vật liệu Nano thuộc Đại học Sogang thông báo rằng, họ đã phát triển thành công một loại vật liệu là vanadosilicate SGU-45 (gồm các ion vanadi dạng ôxi hóa 4+ và 5+) có thể hấp thụ chất phóng xạ cesium cao gấp 40 lần so với vật liệu hấp thụ phóng xạ hiện hành.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ, vật liệu mới này hấp thụ cesium hòa tan trong nước ngầm, nước biển bị ô nhiễm cũng như các chất thải hạt nhân bằng cách trao đổi ion với các ion kali trong SGU-45. Nếu nồng độ cesium càng thấp thì khả năng hấp thụ của SGU-45 càng cao. Đáng lưu ý SCU-45 còn có tốc độ hấp thụ cesium nhanh gấp 2 lần so với vật liệu trước đó.
Trong khi đấy, các vật liệu hấp thụ cesium hiện nay lại có những hạn chế như khả năng hấp thụ kém khi nồng độ cesium xuống thấp dưới một phần triệu.
Được biết, phóng xạ cesium là một trong những nguyên tố phóng xạ nguy hiểm nhất. Nó có thể dễ dàng hấp thụ trong đất và cây trồng nông nghiệp vì nó có thể dễ dàng hòa tan trong nước. Chỉ cần một lượng nhỏ cesium cũng có thể gây ung thư ở người.
Trước SCU-45, một chất vô cơ quan trọng để loại bỏ cesium được biết đến là titanosilicates. Chất này cũng đang được sử dụng để tiêu diệt ô nhiễm phóng xạ do thảm họa Fukushima gây ra.
Với sự ra đời của SCU-45 đem lại hy vọng mới tạo ra bước đột phá trong việc tiêu diệt chất phóng xạ cesium 137 (Cs 137), hứa hẹn đem lại những lợi ích lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Toàn bộ kết quả nghiên cứu ở trên được các nhà khoa học công bố trong ấn bản Internet của Tạp chí hóa học quốc tế Angewandte Chemie.