Số phận của hài cốt Người khổng lồ Ireland
Hài cốt 2,31 mét của Người khổng lồ Ireland Charles Byrne bị đánh tráo trên đường tới nơi chôn cất và đem trưng bày trái với di nguyện của ông.
Trong 235 năm qua, một bộ xương cao 2,31 mét đứng sừng sững bên những giá để mẫu vật ung thư ngâm trong bình, các chi biến dạng và nhiều đồ vật gây tò mò khác ở Bảo tàng Hunterian tại London, Anh, theo Guardian. Theo thông báo từ Đại học Giải phẫu Hoàng gia, bộ xương có thể được thả xuống đáy eo biển Manche, hoàn thành di nguyện của người đàn ông sống ở thế kỷ 18 có biệt danh Người khổng lồ Ireland.
Charles Byrne chào đời năm 1761 với chứng khổng lồ to cực (acromegalic gigantism), một rối loạn tuyến yên khiến ông phát triển tới kích thước cực đại. Ở cuối thời niên thiếu, Byrne quyết định tìm kiếm danh tiếng và vận may. Ông rời khỏi làng quê Ireland nơi ông sinh ra để tới các phòng trưng bày tại London. Đối với công chúng, Byrne trở thành đối tượng gây tò mò, thôi thúc họ trả 1 - 2 đồng xu để tới xem. Đối với các nhà giải phẫu học thời đó, Byrne là mẫu vật quý giá.
Bộ xương của Charles Byrne trưng bày trong bảo tàng Hunterian. (Ảnh: Science Alert).
Không có ai thèm muốn bộ xương của Byrne hơn bác sĩ phẫu thuật người Scotland, John Hunter. Nhà nghiên cứu y khoa danh tiếng có niềm đam mê vô độ đối với mọi thứ kỳ lạ, bất kể đó là biến dạng hiếm gặp hay động vật ngoại lai từ những vùng đất xa xôi. Hunter không che giấu ý định chiếm giữ cơ thể của Byrne nếu một ngày nào đó Người khổng lồ qua đời.
Điều đáng buồn là khoảnh khắc đó đến sớm hơn Byrne ngờ tới. Vào ngày 1/6/1973, Người khổng lồ Ireland qua đời ở tuổi 22 sau nhiều tháng đau ốm. Một tờ báo đương thời mô tả cảnh tượng bên ngoài nơi ở của ông như sau: “Cả tá bác sĩ phẫu thuật đòi sở hữu xác Người khổng lồ Ireland quá cố đáng thương, và vây ngôi nhà của ông giống như những người phóng lao móc Greenland vây quanh một con cá voi”.
Theo một số ghi chép, Byrne để lại di nguyện mong muốn xác ông sẽ được đưa ra biển trong quan tài buộc vật nặng để hài cốt chìm xuống đáy biển và thoát khỏi số phận bị mổ xẻ. Những người bạn thân của Byrne mua cho ông một chiếc quan tài có kích thước phù hợp từ số tiền quyên góp trên phố. Vài ngày sau, họ đưa thi thể ông tới thị trấn ven biển Margate.
Tuy nhiên, dọc đường đi, xác của Charles Byrne đã bị đánh tráo và thay thế bằng những hòn đá, có thể do đoàn người đưa tang dừng lại ven đường để uống nước. Chi tiết về sự việc chưa được làm rõ, nhưng điều chắc chắn là Hunter đã thành công trong việc chiếm xác Byrne.
Bộ xương bị róc hết thịt và luộc trắng nằm trong bảo tàng của Hunter từ đó tới nay, dù gây nhiều tranh cãi. Trong hàng năm trời, Thomas Muinzer ở Đại học Sterling thuyết phục ban quản lý Bảo tàng Hunterian tôn trọng di nguyện của Byrne và để hài cốt ông yên nghỉ nhưng bị phớt lờ. Samuel Alberti, cố giám đốc Bảo tàng Hunterian viện ra những lợi ích về mặt giáo dục để tiếp tục trưng bày bộ xương.
Giờ đây, hy vọng mới cho bộ xương của Byrne xuất hiện sau khi bảo tàng tạm thời đóng cửa ba năm để xây mới. "Bảo tàng Hunterian sẽ đóng cửa đến năm 2021 và bộ xương của Charles Byrne sẽ không được trưng bày. Ban quản trị bộ sưu tập ở bảo tàng Hunterian sẽ thảo luận hướng xử lý trong thời gian đóng cửa", Đại học Giải phẫu Hoàng gia cho biết.