Sợi mưa Kusari - toi: làm nên cơn mưa riêng của người Nhật
Những cơn mưa ở xứ sở hoa anh đào được Người Nhật tô điểm theo cách riêng của họ bằng những sợi mưa Kusari - toi nhờ vậy cơn mưa ở Nhật trở nên dịu dàng và lãng mạn hơn.
Sợi mưa là gì?
Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào mùa mưa, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những chuỗi sợi dài đung đưa trước mái nhà ở những ngôi nhà truyền thống hay các ngôi đền Thần đạo. Khi mưa xuống, nếu dừng chân lại một lát, bạn sẽ nghe thấy âm thanh vui tai của tiếng nước chảy róc rách qua những chuỗi sợi này. Tên gọi của chúng cũng vô cùng thú vị - sợi mưa.
Sợi mưa ở Nhật Bản.
Đó là một chuỗi sợi dài, được gắn vào máng xối trước nhà, chức năng chính là để dẫn nước, trữ nước. Trong tiếng Nhật, sợi mưa được viết là 鎖樋, phiên âm là "kusari - toi" hay "kusari - doi", dịch ra tiếng Anh là "rain chain", "chain gutter" và tiếng Việt gọi nôm na là "sợi mưa".
Ra đời và phát triển
Sợi mưa lần đầu tiên xuất hiện vào thời Azuchi - Momoyama (1558 - 1600), khi lối kiến trúc riêng cho các trà thất (nơi để thưởng trà) gọi là Sukiyazukuri ra đời. Những người đứng đầu trong giới Trà đạo đã quyết định chọn lối thẩm mỹ mộc mạc cho kiến trúc trà thất hơn là vẻ đẹp lộng lẫy, chính vì thế loại sợi mưa dùng để treo trên những máng xối bằng tre hoặc gỗ bên ngoài trà thất chỉ được làm từ lớp vỏ ngoài của cây gai dầu, bện lại thành sợi, gọi là Shuro - nawa.
Những giọt mưa tạo ra âm thanh nước chảy.
Shuro - nawa có chức năng hoạt động giống như ống dẫn nước hiện đại, nhưng khác biệt ở chỗ các loại ống thoát nước thì giấu dòng nước chảy bên trong, trong khi những sợi mưa này mang đến niềm vui thị giác cho người xem khi được ngắm dòng nước chảy từ mái nhà xuống mặt đất một cách rõ ràng. Shuro - nawa truyền thống hiện nay vẫn còn được sử dụng bên cạnh lối vào của ngôi nhà Hachiroemon Mitsui do lãnh đạo đời thứ 11 của gia tộc là Takakimi Mitsui xây dựng, sau đó đã được di dời về bảo tàng Edo - Tokyo Tatemono En (công viên Koganei, Tokyo).
Các loại sợi mưa.
Thời gian qua đi, cùng với sự phát triển của công nghệ, những máng xối làm bằng tre hoặc gỗ dần dần được thay thế bằng chất liệu kim loại, các sợi mưa kim loại cũng ngày càng phổ biến và loại có bệ chứa hình cốc dần trở nên thịnh hành nhờ dẫn nước mưa tốt hơn.
Vốn là một vật trang trí được thiết kế riêng cho các nhà ở truyền thống Nhật Bản, nhưng cách đây khoảng nửa thế kỷ, sợi mưa bắt đầu được kết hợp với lối kiến trúc phương Tây hiện đại. Số nhà ở truyền thống sử dụng sợi mưa ngày càng ít, thay vào đó sợi mưa dần xuất hiện nhiều hơn tại các kiến trúc hiện đại với các mẫu thiết kế đa dạng và phong phú.
Nét đẹp thẩm mỹ và hiệu ứng âm thanh sinh động
Thay vì sử dụng các ống nước to và cồng kềnh để dẫn nước như thường thấy, người Nhật tối giản vật dụng dẫn nước sao cho gọn nhẹ, tiện lợi, vừa tiết kiệm vừa mang lại giá trị thẩm mĩ cao.
Sợi mưa ngày nay được dùng cho mục đích trang trí nhà cửa nhiều hơn là để trữ nước, có loại chuỗi dài hoặc ngắn, bao gồm bệ chứa nước bên dưới hoặc không. Kiểu dáng phong phú của sợi mưa, từ đơn giản đến cầu kỳ phức tạp không chỉ giúp cho việc lựa chọn cũng như trang trí kiến trúc trở nên thú vị hơn rất nhiều, mà còn tạo cơ hội để chủ nhà thể hiện phong cách riêng của mình.
Hình ảnh sợi mưa.
Cách lắp đặt sợi mưa cũng vô cùng đơn giản, những gì cần làm chỉ là cố định chuỗi sợi trên máng xối bằng một loại móc riêng biệt là có thể sử dụng ngay. Chính nhờ những ưu điểm đó nên sợi mưa được rất nhiều người ưa thích và ngày càng phổ biến tại các nước trên thế giới.
Tại các đền thờ Thần đạo Nhật Bản, ta hay bắt gặp hình ảnh từng chuỗi sợi mưa được treo trước mái, đung đưa khi có cơn gió thổi qua. Khi những hạt mưa rơi xuống, giữa không gian thiêng liêng tĩnh lặng của ngôi đền, được nhìn ngắm chuỗi sợi mưa và lắng nghe âm thanh róc rách của nước chảy qua từng chuỗi, từng chuỗi rồi rơi xuống bệ chứa nước, bất chợt cảm giác như bao muộn phiền cũng được cuốn trôi theo dòng nước.
- Lần đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy trọng lực
- Trái đất và Mặt trăng sẽ trông như thế nào khi quan sát từ không gian hoặc từ những hành tinh khác?
- Cảnh tượng sáp nhập thiên hà ngoạn mục được Kính thiên văn James Webb ghi lại