Sông băng tại Peru tan chảy do biến đổi khí hậu
Giới chức Peru ngày 23/2 cho biết, sông băng trên núi Huaytapallana ở nước này đã bị tan chảy và diện tích giảm xuống còn một nửa (5km2) chỉ trong vòng 23 năm.
>> Sông băng tan chảy khiến khủng hoảng lương thực
>> Sông băng "khóc"
Thông tin này đã khiến giới khoa học thêm quan ngại về việc biến đổi khí hậu đe dọa các nguồn nước sạch.
Theo ông Erasmo Meza, nhà quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng Junin, những nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 6/1983 đến tháng 8/2006, sông băng này đã bị tan chảy và nguyên nhân là do tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Hiện tượng tan chảy này đang đặt ra những vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp, sức khỏe, các nguồn nước sạch và việc giảm nhẹ thiên tai.
Để ngăn chặn sông băng nói trên tiếp tục tan chảy, chính quyền vùng Junin đang triển khai một dự án nhằm đưa núi Huaytapallana vào danh sách khu bảo tồn thiên nhiên.
Báo cáo năm 2009 của Ngân hàng Thế giới cho biết trong 35 năm qua, 22% diện tích các sông băng của Peru đã tan chảy, làm giảm 12% lượng nước sạch.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, các sông băng và các mỏm phủ tuyết ở dãy Andes hiện gồm hơn 100 đỉnh núi cao từ 5.000m trở lên, có thể sẽ biến mất trong vòng 20 năm tới nếu các nước không có những biện pháp ngăn chặn sự ấm lên của Trái Đất.