Sống cô độc làm tăng nguy cơ đột quỵ
Nghiên cứu cho thấy cuộc sống cô đơn có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan thực hiện, công bố trên tạp chí eClinicalMedicine ngày 24/6. Đột quỵ xảy ra khi dòng máu đến não bị cắt đứt do mạch máu tắc nghẽn hoặc vỡ, khiến các tế bào não nhanh chóng chết hàng loạt.
Theo Yenee Soh, cộng tác viên nghiên cứu tại Khoa Khoa học Xã hội và Hành vi, cô đơn được coi là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn. Cô và các đồng nghiệp nhận thấy sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, vốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật cũng như tử vong trên thế giới.
Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng cô đơn có thể liên quan đến việc phát triển bệnh tim mạch. Tuy nhiên, rất ít chuyên gia kiểm tra tác động cụ thể của nó với tình trạng đột quỵ. Nghiên cứu mới là một trong những công trình đầu tiên kiểm tra mối liên hệ này.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe và Hưu trí (HRS) năm 2006-2018, có hơn 12.600 tình nguyện viên tham gia, tất cả từ 50 tuổi trở lên chưa từng bị đột quỵ. Tình nguyện viên được yêu cầu trả lời khảo sát dựa trên Thang đo cô đơn UCLA sửa đổi.
Cô đơn có thể liên quan đến đột quỵ ở người cao tuổi. (Ảnh: Pexel).
Sau 4 năm, các chuyên gia phân loại tình nguyện viên theo 5 nhóm, phân tích nguy cơ đột quỵ ở mỗi nhóm theo thời gian, liên hệ với mức độ cô đơn của họ, xét đến các yếu tố nguy cơ về sức khỏe và hành vi khác.
Kết quả cho thấy người cô đơn có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Nhóm thường xuyên sống trong cảnh đơn độc có nguy cơ đột quỵ cao nhất. Người cô đơn ở mức độ vừa phải cũng có tỷ lệ đột quỵ cao hơn người không gặp tình trạng này 25%.
Các chuyên gia lưu ý cần thực hiện các phân tích sâu hơn để kiểm tra cả các sắc thái của sự cô đơn trong từng nhóm. Điều này có thể làm sáng tỏ thêm mối liên hệ của tình trạng này với các cơn đột quỵ.