Stephen Hawking sinh trùng ngày mất của Galileo Galilei, mất trùng ngày sinh của Albert Einstein
Có thể nói ngay cả ngày sinh và ngày mất của thiên tài Stephen Hawking cũng cực kỳ đặc biệt.
Mới đây, nhà vật lý lý thuyết thiên tài Stephen Hawking đã qua đời tại tư gia. Thật tình cờ, ngày Hawking mất trùng với ngày sinh của Albert Einstein, một thiên tài khác trong lĩnh vực vật lý lý thuyết.
Stephen Hawking.
Albert Einstein sinh ngày 14/3/1879. Ông là người phát hiện ra thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện tại.
Năm 1921, ông nhận giải Nobel Vật Lý cho những cống hiến đối với vật lý lý thuyết và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật hiệu ứng quang điện. Công trình về hiệu ứng quang điện của ông có tính chất bước ngoặt trong việc khai sinh ra lý thuyết lượng tử.
Và chính Hawking là người khởi xướng một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát của Einstein và cơ học lượng tử. Ông ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải đa thế giới về cơ học lượng tử.
Albert Einstein. (Ảnh: Yarnela).
"Từ sau Albert Einstein, chưa có nhà khoa học nào thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng và được hàng chục triệu người trên thế giới yêu mến như thế", Michio Kaku, giáo sư vật lý lý thuyết ở Đại học New York, chia sẻ về Hawking trong một bài phỏng vấn.
Stephen Hawking sinh ra vào ngày 8/1/1942, trùng kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà Vật lý, Thiên văn, Toán học Galileo Galilei.
Sinh thời, Galileo đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Các thành tựu của ông bao gồm những cải tiến cho kính thiên văn và các quan sát thiên văn sau đó.
Galileo Galilei. (Ảnh: Daily Express).
Galileo được coi là "cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại", "cha đẻ của vật lý hiện đại", "cha đẻ của khoa học", và "cha đẻ của Khoa học hiện đại.".
Chính Stephen Hawking đã từng nói: "Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại".
Những năm cuối đời, Galileo buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Toà án dị giáo La Mã.