Sự thật về khẳng định "con người chỉ dùng 10% sức mạnh não bộ"
Văn hóa đại chúng tin khiến nhiều người tin rằng ta mới chỉ sử dụng 10% sức mạnh não bộ, và nếu “mở khóa kỹ năng” để tận dụng nốt số sức mạnh còn lại, con người sẽ đạt tầm cao mới. Ở thực tại khác đó, hoặc bạn có thể biến thành một thiên tài xuất chúng, hoặc bạn sở hữu những siêu năng lực ngoại cảm như đọc suy nghĩ hay điều khiển đồ vật bằng trí não.
Tuy nhiên, sự thật không hào nhoáng như trên phim: các nhà khoa học có bằng chứng vững chắc gạt bỏ cái suy nghĩ “10%” kể trên, và các thử nghiệm cho thấy, chúng ta vẫn hàng ngày tận dụng gần hết sức mạnh của não bộ.
Bằng chứng thì nhiều, nhưng người ta vẫn tin vào sức mạnh tiềm ẩn của não. Những bộ phim như Limitless hay Lucy, với nhân vật chính mở khóa được sức mạnh ẩn của não bộ, khiến người xem thích thú bởi những tiềm năng có thể có của “cỗ máy tính phức tạp nhất vũ trụ”. Một nghiên cứu được tiến hành năm 2013 cho thấy 65% người Mỹ tin vào việc “con người mới sử dụng 10% não bộ”; một khảo sát năm 1998 chỉ ra rằng một phần ba sinh viên chuyên ngành tâm lý học - những người vốn tập trung tìm hiểu về não bộ - cũng tin vào tuyên bố nực cười.
Thực hư tuyên bố "10%" ra sao?
Bằng chứng từ ngành tâm lý học thần kinh
Tâm lý học thần kinh là một nhánh của tâm lý học với chuyên môn tìm hiểu hành vi, cảm xúc và khả năng nhận thức của một người. Suốt nhiều năm, các nhà khoa học nghiên cứu não bộ đã chỉ cho chúng ta thấy những phần não cụ thể có những trách nhiệm riêng, xử lý những tác vụ riêng, từ nhận ra màu sắc cho tới khả năng giải quyết vấn đề.
Trái với câu chuyện về “10% sức mạnh não bộ”, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng phần nào của não cũng tham gia vào điều hành hoạt động của một người trong một ngày. Khoa học vẫn chưa tìm thấy phần não nào hoàn toàn không hoạt động, thậm chí những nghiên cứu tập trung vào một neuron đơn lẻ cũng không chỉ ra bất kỳ khu vực não “ngủ đông” nào.
Nhiều những nghiên cứu sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp não cho thấy khi người tham gia thử nghiệm thực hiện một tác vụ cho trước, nhiều phần não của họ cùng hợp tác để giải quyết vấn đề. Ví dụ, khi đọc những dòng chữ này, các khu vực não đảm nhiệm những tác vụ nhìn, đọc hiểu và khả năng vận động để cầm nắm chiếc điện thoại đều hoạt động mạnh hơn những khu vực khác.
Phần nào của não cũng tham gia vào điều hành hoạt động của một người trong một ngày.
Tuy nhiên, do hiểu sai vấn đề, nhiều người vô tình cho rằng những hình chụp cắt lớp não hậu thuẫn “huyền thoại về 90% sức mạnh não ngủ yên”. Ví dụ bạn tham gia vào thử nghiệm chụp cộng hưởng từ não bộ của chủ thể đang xem phim. Khi nhìn hình chụp, bạn sẽ thấy khu vực tiếp nhận và xử lý hình ảnh, âm thanh sẽ hoạt động mạnh hơn những nơi khác, và cũng trên hình chụp, những khu vực này sẽ có màu khác những khu vực màu xám còn lại.
Những mảng màu này thường không chiếm tới 10% não bộ, nhưng một con mắt nghiệp dư nhìn vào ảnh chụp cộng hưởng từ có thể cho rằng những phần não còn lại đang ngủ yên cho vùng khác hoạt động. Như Joe LeDoux, giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học công tác tại Đại học New York, thì “bộ não có thể tỉnh ở mức 100% khi thực hiện một tác vụ nhưng chỉ có một phần nhỏ có liên quan trực tiếp tới tác vụ mới hoạt động”. Màu sắc trong ảnh chụp cắt lớp chỉ ra những khác biệt trong mức độ hoạt động của từng vùng não.
Một bằng chứng nữa cho thấy khẳng định “chỉ sử dụng 10%” là sai nằm tại những bộ não bị hư tổn. Ví dụ, khu khu vực não Broca bị tổn thương, một người sẽ khó ghép từ và nói trôi chảy, tuy nhiên họ vẫn có thể nhận thức được ngôn ngữ. Một ví dụ khác: một người phụ nữ sống tại Florida đã “mất khả năng suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề, trí nhớ và cảm xúc - những thứ tạo nên bản chất con người” khi việc thiếu oxy đã khiến nửa phần đại não của cô (khoảng 85% não bộ) bị chết.
Rõ ràng, nếu ta có tận 90% sức mạnh não bộ để mà tận dụng, thì một chấn thương não bộ sẽ không ảnh hưởng mấy tới hoạt động hay nhận thức của một người.
Phản bác từ thuyết tiến hóa
Nhìn vào chặng đường tiến hóa, ta lại có một loạt chứng cứ nữa bác bỏ khẳng định “10%”. Não của người trưởng thành chiếm 2% tổng trọng lượng cơ thể nhưng sử dụng tới 20% năng lượng mà cơ thể sản sinh ra. Để so sánh, thì não bộ trưởng thành của các động vật có xương sống khác - bao gồm một số loài cá, bò sát, chim và động vật có vú - tiêu thụ khoảng 2-8% năng lượng cơ thể chúng sản sinh ra.
Bằng quá trình chọn lọc tự nhiên, não bộ chúng ta đã trải qua hàng triệu năm tự hoàn thiện chính mình và để lại những chức năng hỗ trợ sự sống hiệu quả nhất. Vậy nên việc não bộ sử dụng tới 20% năng lượng cơ thể tạo ra mà chỉ vận hành ở 10% sức mạnh quả thật không tối ưu.
Máy tính xịn nên cần nhiều năng lượng để vận hành.
Nguồn gốc của câu chuyện hoang đường
Sự bí ẩn tỏa ra một lực hấp dẫn của riêng nó, thu hút những những người có bản chất tò mò - tức là cả nhân loại nói chung đó. Vì ai cũng có một bộ não, chúng ta không khỏi hứng thú với những khả năng tiềm ẩn của cỗ máy tính mạnh nhất Vũ trụ có thể mang lại; ai cũng muốn có siêu sức mạnh. Do đó, dù bằng chứng bác bỏ câu chuyện về “10% sức mạnh não bộ” hiện hữu, vẫn nhiều người tin vào truyền thuyết vô căn cứ.
Không rõ tin đồn xuất phát từ đâu và khi nào, nhưng rõ ràng sách báo, phim ảnh và nhiều phương tiện truyền thông khác đã đại chúng hóa ý tưởng về khả năng tiềm ẩn của não bộ. Đúng là ta chưa hiểu về não bộ (hay nhận thức, cái tôi và những thứ trừu tượng khác nữa), nhưng niềm tin vào 90% sức mạnh ẩn giấu trong não lại có nền móng là những nghiên cứu não bộ cũ rích, những quyển sách dạy cách sống không có khoa học hậu thuẫn.
Những quyển sách hướng dẫn bạn sống đúng “tiềm năng” của mình sẽ thường khuyên bạn tận dụng toàn bộ khả năng não bộ của mình. Nhiều người đưa giả thuyết rằng tác động của nhà báo Lowell Thomas đã “góp công” lớn trong việc truyền bá ý tưởng trên: khi đánh giá về cuốn Đắc Nhân Tâm nổi tiếng của Dale Carnegie, ông Thomas đã hiểu sai ý nhà tâm lý học William James mà nói rằng một người bình thường “chỉ phát triển 10% sức mạnh tâm lý tiềm ẩn của mình”. Trong nghiên cứu thuở xưa, William James đã nhận định rằng một người có tiềm năng phát triển hơn khi sử dụng càng nhiều vật chất não.
Vậy quan niệm sai lầm này có gây hại gì không?
Bên cạnh việc khiến nhiều nhà thần kinh học, những chuyên gia nghiên cứu não bộ bực mình, thì quan niệm này còn khiến nhiều người tin vào điều không tưởng. Nhiều nhà nghiên cứu lạc quan rằng sẽ có những cá nhân xem phim nhận ra được những khẳng định trong phim khoa học giả tưởng là sai lầm, để rồi có cái nhìn đúng hơn về thực tại.
Ít nhất những bộ phim xoay quanh chủ đề này, ví dụ như Limitless hay Lucy, vẫn có tính giải trí, xem giết thời gian cũng chẳng sao. Không giống với những bộ phim xoắn não mà ta vẫn biết, bạn sẽ không cần tới 100% sức mạnh não bộ để xem những bộ phim bom tấn hành động kia đâu.
- Vì sao dơi vẫn có lúc đâm vào tường trong khi bay?
- DMCA là gì và nó có ý nghĩa gì?
- Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu quan sát được sao từ chào đời