Sứa giống vật thể ngoài hành tinh dạt vào bờ biển New Zealand
Con sứa bờm sư tử mắc cạn có hình dáng giống núi lửa, cơ thể như thạch dẻo màu hồng đỏ, thu hút sự chú ý của người đi biển.
Gia đình Dickinsons bắt gặp vật thể hình cầu nhô lên như ngọn núi lửa màu hồng kỳ lạ hôm 17/9 khi đi dạo dọc bãi biển Pakiri ở phía bắc Auckland, New Zealand, theo Science Alert. Các chuyên gia xác định đây là loài sứa mang tên sứa bờm sư tử, có phần ngoài cơ thể màu trắng phân mảnh và bên trong màu hồng đỏ giống thạch dẻo.
"Sứa có ở khắp mọi nơi và chúng tôi khá là thích thú. Chúng tôi thấy con sứa to lớn này, trông nó dường như khác hẳn mọi con xung quanh", Eve Dickinson cho biết. "Chúng tôi dành nhiều thời gian nhìn ngắm bởi màu sắc và hình dáng đẹp mắt của nó. Con trai tôi nói con sứa gợi nó nghĩ đến một ngọn núi lửa".
Con sứa trên bãi biển Pakiri. (Ảnh: Science Alert).
Sứa bờm sư tử (Cyanea capillata), hay còn gọi là sứa khổng lồ hoặc sứa tóc, dễ nhận biết hơn khi trôi nổi dưới nước. Bên dưới phần đầu hình nấm của nó có nhiều sợi dài mảnh tạo thành xúc tu. Nhưng khi nó dạt lên bờ, thân hình xẹp xuống khiến nó trông giống sinh vật ngoài hành tinh. Gia đình Dickinson cũng trông thấy con sứa cử động co rút. "Nó trông như thể một đống cơ bắp cùng co lại", Adam, chồng của Eve, nhận xét.
Sứa bờm sư tử là loài sứa lớn nhất được biết đến và sinh sống ở mọi nơi trên thế giới, từ Bắc cực tới Australia và New Zealand. Chúng thường có bề rộng khoảng 50cm. Mẫu vật lớn nhất giới nghiên cứu từng phát hiện dạt vào vịnh Massachusetts năm 1870 với đường kính 2,3 mét.
Kỹ thuật viên sinh vật học hải dương Diana Macpherson ở Viện nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand cho biết sứa bờm sư tử khá phổ biến quanh những quần đảo, nhưng xuất hiện ít hơn vào cuối mùa đông. "Chúng thường lộ diện vào mùa xuân và mùa hè khi sinh vật phù du bắt đầu rộ lên", Macpherson chia sẻ.
"Chúng vung tất cả mồi nhử cá ra cùng lúc. Mỗi xúc tu đều vung ra để bắt mồi. Chúng có thể tìm thấy rất nhiều thức ăn nhờ tính đa nhiệm", Lisa-Ann Gershwin, nhà sinh vật học hải dương thuộc cơ quan khoa học quốc gia CSIRO của Australia.
Sứa bờm sư tử thích ăn sinh vật phù du và những loài sứa khác. Khi trôi nổi dưới nước, chúng lùa thức ăn bằng xúc tu. Chúng cũng đóng vai trò như ốc đảo dành cho cá nhỏ và tôm miễn dịch với nọc độc, chuyên ăn những gì còn sót lại của sứa. Sứa bờm là thức ăn của cá lớn và rùa biển như rùa da. Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên động vào sứa bờm sư tử dạt vào bãi biển bởi dù vết đốt không gây tổn thương nghiêm trọng, nó vẫn có thể khiến bạn đau đớn.