Tại sao bạn lại thấy sao bay vèo vèo mỗi khi đụng đầu thật mạnh vào đâu đó?
Cú va chạm làm bùng phát một luồng năng lượng, khiến bộ não nghĩ rằng nó thấy một loạt những tia sáng lấp lánh không theo bất kỳ trật tự hay hình dạng nào. Tuy nhiên, hiệu ứng thú vị này không diễn ra quá lâu.
Nếu bạn chưa bao giờ đụng đầu vào thứ gì trong đời, thì bạn quả là rất may mắn, và đã đến lúc bước ra khỏi cái tổ êm ái và an toàn rồi đấy. Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần đâm phải một cánh cửa tủ đang mở, vấp té nhào đầu, hay bị táng vào đầu bằng một thanh gỗ dài vuông vắn. Bên cạnh việc thấy…đau và đầu óc như ong lên, có một điều chỉ xảy ra khi chúng ta gặp chấn thương đầu mà thôi: chúng ta sẽ thấy vô vàn những ngôi sao bay vèo vèo.
Va đập mạnh ở đầu sẽ khiến bạn thấy vô vàn những ngôi sao bay vèo vèo.
Nếu bị đánh quá mạnh, bạn sẽ chẳng thấy gì nữa, nhưng đâu đó giữa một cú đánh gây choáng váng và một cú đánh khiến bạn bất tỉnh nhân sự, hiện tượng "sao bay" kia sẽ xảy ra. Tại sao?
Não bị sốc
Theo ScienceABC, con người đã tiến hóa trong hơn hàng trăm nghìn năm để bảo vệ bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta, chính là bộ não. Chất xám của con người được bao phủ bởi một thứ gọi là dịch não tủy, đóng vai trò như một chiếc gối cho bộ não. Khi bạn xoay đầu đột ngột, đập trán vào bàn, hay đang quẩy theo bài hát yêu thích, bộ não sẽ di chuyển theo cú va chạm, nhưng không đập quá mạnh vào các cạnh của hộp sọ.
Bộ não sẽ di chuyển theo cú va chạm, nhưng không đập quá mạnh vào các cạnh của hộp sọ.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, khi chúng ta đập đầu với vận tốc lớn hơn (hay khi một vật thể bay đến chúng ta với tốc độ cao, một thứ khác sẽ xảy ra. Lấy ví dụ bị đấm vào mặt cho dễ hiểu nhé. Khi nắm đấm chạm vào mặt, hộp sọ của chúng ta sẽ bị đẩy về phía sau, và đó là lúc thành hộp sọ chạm vào phần trước của bộ não chúng ta. Khi chúng ta ngã và đập đầu xuống đất, hộp sọ sẽ chúi về trước và thành của nó lúc này sẽ chạm vào phần sau của bộ não – gọi là thùy chẩm. Tác động rất nhanh này có thể gây gián đoạn dòng máu đang chảy trong khu vực này của não và còn có thể gây ảnh hưởng lên một lượng lớn các tế bài thần kinh ở phía sau đầu.
Chuyển động nhanh của hộp sọ và tác động của nó lên bộ não chính là thứ khiến chúng ta "thấy sao bay", bởi thùy chẩm là nơi chứa phần vỏ não thị giác.
Đánh lừa vỏ não thị giác
Khi chúng ta mở mắt và nhìn quanh, những xung thần kinh được diễn dịch thành các hình ảnh trong các mô của vỏ não thị giác. Về cơ bản, đây là cách chúng ta nhìn thế giới quanh mình. Tuy nhiên, khi những mô này bị tác động một cách mạnh bạo (khi hộp sọ đập vào phần thùy chẩm), các tế bào thần kinh ở phần sau đầu sẽ giải phóng ra một luồng xung điện từ, chạy khắp các mô thần kinh.
"Thấy sao bay" là một hiệu ứng vô hại, nhưng bất kỳ điều gì khiến bạn thấy những ngôi sao kia cũng có khả năng gây nên những thương tổn thật sự lên sức khỏe thần kinh.
Chính sự phóng xung năng lượng đột ngột này đã đánh lừa bộ não của chúng ta, khiến nó nghĩ rằng nó đang thấy một loạt những tia sáng lấp lánh không theo một trật tự hay hình dạng nào cả. Hiệu ứng này diễn ra không lâu, và khi các mô trở lại bình thường, áp lực lên các tế bào thần kinh giảm đi, các ngôi sao sẽ dần biến mất. "Thấy sao bay" là một hiệu ứng vô hại, nhưng bất kỳ điều gì khiến bạn thấy những ngôi sao kia cũng có khả năng gây nên những thương tổn thật sự lên sức khỏe thần kinh.
Bạn có thể tự mình tạo ra trải nghiệm tương tự bằng cách dụi mắt vào buổi sáng khi thức dậy. Bằng cách dụi mắt, bạn đang gây áp lực bất thường lên các tế bào quang học đằng sau mắt, tạo ra một loạt những tín hiệu gây hiểu nhầm lên vỏ não thị giác và buộc nó phải xử lý những tín hiệu đó. Cũng như trên, sự gián đoạn dòng máu bình thường và áp lực sẽ tạo ra những hình ảnh "ngôi sao" giả, mà về cơ bản chỉ là những xung điện từ phát ra ngẫu nhiên xuyên qua trung tâm thần kinh thị giác của bạn.
Dù rằng nằm nhìn trời sau vào ban đêm là một thú vui đầy thi vị, bị chấn thương đầu khiến bạn "thấy sao bay" chắc chắn không phải là điều có thể xem thường. Hãy bảo vệ bộ não của mình bằng mọi giá!