Tại sao chúng ta cười khi bị "thọc lét"?
Cười là một hành động được một trung khu thần kinh trên não điều khiển. Những thông tin về việc bị "thọc lét" (còn gọi là cù) được truyền lên não, nếu ở cường độ mạnh sẽ khiến phát ra tiếng cười như một phản xạ đáp ứng.
Nhà bác học Darwin đã nhận xét chính những chú tinh tinh (loài linh trưởng gần người nhất) khi chơi đùa, vật nhau, cù vào nách nhau cũng phát ra tiếng cười khúc khích. Tuy nhiên, não có 2 cơ chế khác nhau, phân biệt 2 loại cù là bị người khác cù và tự mình cù.
Não có 2 cơ chế khác nhau, phân biệt bị người khác cù và tự mình cù. (Ảnh: KH & ĐS) |
Darwin cho rằng: "Thọc lét" chỉ gây cười khi bất ngờ, không biết trước điểm sẽ bị kích thích. Nếu có sự chuẩn bị trước, nghĩa là não đã biết - thậm chí chính não bộ chỉ huy việc cù ở đâu, vào lúc nào - thì không còn yếu tố bất ngờ nữa.
Những hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy, trong hai trường hợp bạn bị người khác cù và tự cù mình, thì dù tại cùng một vị trí trên cơ thể, với cùng một cường độ như nhau nhưng cách xử lý của não vẫn hoàn toàn khác nhau.
Trường hợp đầu, não ra lệnh trung khu cười phát ra những tiếng khanh khách, không thể kiềm chế, trong khi ở trường hợp sau, não không truyền xuống một mệnh lệnh nào.