Tại sao giá sản phẩm thường được niêm yết thành số lẻ?
Nếu để ý thì các bạn sẽ thấy đa số giá bán của sản phẩm sẽ được niêm yết thành số lẻ, ví dụ 99 nghìn, 149 nghìn, 990 nghìn hoặc 1,99 đô và 399 đô. Vậy thì tại sao lại có cách định giá lẻ lẻ rắc rối này? Thật ra đó là cả một nghệ thuật định giá hàng bán đã được đúc kết qua hàng trăm năm đấy.
Lý do vì sao giá sản phẩm lại niêm yết số lẻ
Tâm lý giá cả
Về mặt logic, chúng ta đọc chữ từ trái qua phải do đó khi thấy con số 199.000 đồng hoặc 399 USD thì não trạng của chúng ta sẽ tự động bị đánh lừa rằng "món này có giá một trăm mấy / món này ba trăm mấy đô". Mặc dù "một trăm mấy nghìn và 300 mấy đô" đó cách 200 nghìn / 400 đô chỉ có 1000đ / 1 đô mà thôi.
Trong định giá hàng hóa, món hàng có giá "ba trăm mấy đô" (300 - 399$) sẽ ở phân khúc giá cả hoàn toàn khác món có giá "bốn trăm mấy đô" (400 - 499$). Như vậy, mặc dù định giá 399$ chỉ thấp hơn 400$ có 1 đô la nhưng nó lại ở 2 phân khúc giá khác nhau. Dĩ nhiên món hàng có giá 399$/"ba trăm mấy đô" sẽ tạo cảm giác cho người mua là nó rẻ hơn món "bốn trăm đô" khá nhiều, từ đó giúp hãng bán được nhiều hàng hơn.
Tạo hiệu ứng khuyến mãi giảm giá
Khuyến mãi giảm giá là một cách kích sale tốt nhất, do đó định giá bán bằng số lẻ sẽ tạo cho khách hàng cảm giác món hàng đang được sale off mạnh, ví dụ giảm giá món hàng từ 210 nghìn xuống còn 199 nghìn, tức là từ "hai trăm mấy" xuống chỉ còn "một trăm mấy", nghe giống như là được giảm cả 100 nghìn vậy nhưng thực ra chỉ giảm có 11 nghìn mà thôi.
Ai bán rẻ hơn, người đó thắng
Đối với hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm thì ai bán giá rẻ hơn thì người đó thắng. Bởi vậy cùng 1 gói mì hai con tôm tôm nhưng bên bán giá 3.200đ/gói chắc chắn sẽ bán chạy hơn bên bán 3.500đ/gói.
Tâm lý xí xóa, cho qua
Những năm 2000 khi còn là sinh viên, mình nghe thằng bạn đi làm thêm quầy bán quần áo ở siêu thị Sài Gòn (ngã tư 3/2 - Thành Thái) nói về điều này và thấy vẫn đúng tới bây giờ. Nó giải thích rằng tại sao quần áo lại được niêm yết giá lẻ 99k, 149k và 199k mà tại sao không là số chẵn 100k - 150k - 200k là bởi trên thực tế cũng ít ai cần thối lại 1k. Nó kể khi tính tiền cho khách: "Cái áo này của 99 ngàn, mà em đang hết tiền lẻ 1000 rồi, em gởi chị cái túi nilon bỏ áo vô cho gọn nha, cám ơn chị". Nhờ sự dẻo miệng và mau lẹ đó, hiếm có khách nào của nó tiếp đòi thối lại 1000đ.
Dễ bán theo combo
Định giá lẻ là một cách rất hay để bán được nhiều hàng hơn bằng cách gom lại bán theo combo 3 món, 5 món, 10 món. Ví dụ nhé, tháng trước các bạn đi siêu thị sẽ thấy là người ta bán rất nhiều khẩu trang vải để thay thế cho khẩu trang y tế đang hiếm hàng. Một gói 3 cái khẩu trang vải có giá 35 nghìn, khi mua combo 3 gói thì giá chỉ có 99 nghìn, tính ra thì giảm giá chỉ có 6 nghìn cho 3 gói nhưng lại kích sale rất tốt.
Giảm trượt giá
Tại sao định giá lẻ lại góp phần giảm trượt giá, các bạn không nghe nhầm đâu. Ở những quốc gia ít có thói quen sử dụng tiền lẻ dưới 5000 đồng như Việt Nam, tâm lý của người mua thích những món được làm tròn giá thành 5.000đ hoặc 10.000đ, dần dần người dân mất đi thói quen sử dụng tiền lẻ mệnh giá 1 nghìn 2 nghìn, thậm chí là 500đ và điều này góp phần tạo ra sự trượt giá của hàng hóa, vì bây giờ cầm 2 nghìn đồng hầu như chẳng mua được gì cả.
Nhờ việc định giá các món hàng số lẻ thành 99 nghìn - 199 nghìn, sẽ tạo cho người mua thói quen giữ lại tiền thối 1.000đ, cứ 10 lần của 1.000đ thì thì các bạn sẽ có 10 nghìn đồng và mua được vài thứ giá trị nhỏ.
Tạo thói quen giữ tiền lẻ
Nếu thường xuyên đi siêu thị, các bạn sẽ thấy có rất nhiều món hàng được định giá lẻ vài trăm đồng, ví dụ một gói mì tôm giá 3.200đ hoặc một cây kẹo giá 5.700đ. Thường thì chẳng có ai để tiền lẻ mệnh giá dưới 1 nghìn đồng (200đ - 500đ) trong túi cả, nhưng nếu mua 5 gói mì thì khi tính tiền sẽ thành 16 nghìn, dễ trả tiền hơn. Như mình nói ở trên, các bạn giữ lại tiền thối 1000đ thì sẽ có thêm tiền lẻ khi thanh toán 16 nghìn đồng, thay vì đưa 20 nghìn để người ta thối lại. Thậm chí nếu giữ tiền lẻ 200đ trong túi thì mua 1 gói vẫn được (hiện nay các siêu thị vẫn thối tiền lẻ 200đ và 500đ cho khách).