Tại sao iPhone rơi từ máy bay không hỏng, nhưng rơi từ bàn lại vỡ màn?
Nếu nắm được bản chất, các chuyên gia cho rằng smartphone vẫn sẽ không gặp sự cố gì, dù bạn đánh rơi điện thoại từ độ cao 100m hay từ không gian.
Cách đây vài tháng, nhiều người đã sửng sốt khi chứng kiến chiếc iPhone vẫn nguyên vẹn sau khi rơi từ máy bay Boeing 737 MAX 9 trong vụ bung cửa thoát hiểm giữa không trung. Nhưng đó cũng là lúc một câu hỏi lớn hơn được đặt ra: Làm thế nào chiếc iPhone đó có thể sống sót?
Ảnh minh họa smartphone rơi từ máy bay. (Ảnh: Slate).
Rơi khỏi máy bay từ độ cao hơn 4.800m, chiếc iPhone gần như “lành lặn”, đang ở chế độ máy bay và vẫn còn khoảng 50% pin. Trong khi đó, chỉ cần vô tình làm rơi từ trên bàn xuống dưới đất, màn hình điện thoại của bạn đã nứt vỡ khắp nơi như mạng nhện.
Tại sao lại thế? Có phải là vì chiếc iPhone sống sót hy hữu được bảo vệ bởi ốp lưng, cường lực xịn? Hay vì nó là iPhone 14 Pro Max nên mới hơn, bền hơn?
Chỉ có một cách để tìm ra câu trả lời: thực hiện drop test iPhone. Wall Street Journal đã chế tạo hệ thống máy bay không người lái để thử nghiệm ném điện thoại (Phone-Droppin). Họ thả iPhone 14 và Samsung Galaxy S23 từ độ cao 1, 10 và 100 m xuống cỏ và nhựa đường. Kết quả đã làm sáng tỏ nhiều sự thật vật lý cũng như độ bền của điện thoại.
Giải thích bằng góc nhìn khoa học
Cây bút Wall Street Journal đã mua các mẫu iPhone 14 và Galaxy S23 từ một đại lý bán máy đã qua tân trang. Hãng này khẳng định phần cứng ban đầu vẫn còn nguyên vẹn, pin và màn hình chính hãng. Mặc dù không phải là đời mới nhất, các thiết bị này đều được trang bị kính Corning nổi tiếng, kèm những lời quảng cáo về độ bền siêu cao của Apple và Samsung.
Chiếc iPhone còn nguyên sau khi rơi từ máy bay của Alaska Airlines vào ngày 5/1. (Ảnh: @SeanSafyre/X).
Với thử nghiệm ném từ độ cao 1 và 10m xuống thảm cỏ, chiếc iPhone và Samsung Galaxy không ốp lưng, không cường lực vẫn sống sót. “Không có gì quá ngạc nhiên”, Wall Street Journal nhận xét.
Nhưng với lần rơi từ độ cao 100 m, cây bút tỏ ra khá lo lắng khi nhìn thấy 2 chiếc smartphone rơi từ máy bay trông như những chú chim từ trên trời sà xuống. Tuy nhiên, bất chấp những cú va đập lớn khi chạm đất, chúng không gặp hư hỏng gì nghiêm trọng, ngoại trừ vết cỏ và bụi bẩn bám vào các cổng sạc.
Giải thích về kết quả này, Mark Rober, cựu kỹ sư cơ khí của NASA, cho biết vẫn sẽ không có sự cố gì xảy ra, dù bạn đánh rơi điện thoại từ độ cao 100 m hay từ không gian. “Kết quả vẫn sẽ tương tự nhờ có vận tốc cuối”, chuyên gia cho biết. Với một vật rơi tự do, lực cản không khí sẽ có độ lớn bằng lực hấp dẫn và vật thể rơi với vận tốc không đổi, gọi là vận tốc cuối.
Rhett Allain, Phó giáo sư ngành vật lý tại Đại học Đông Nam Louisiana, cho biết do khối lượng, kích thước và hình dạng của smartphone, nó sẽ tăng tốc độ cho đến khi đạt vận tốc 96 km/h. Tại thời điểm đó, sức cản của không khí khiến nó không thể nhanh hơn được nữa. Ông cho biết 100 m trong không khí là đủ chiều cao cho tất cả các thiết bị này đạt được vận tốc cuối cùng, dù có ốp hay không có ốp bảo vệ.
Tại sao điện thoại rơi xuống sàn dễ hỏng hơn?
Một khái niệm vật lý khác cũng liên quan đến hiện tượng này là giảm tốc. Rober và Allain giải thích rằng mặt cỏ đóng vai trò là đệm của vật thể rơi, giúp làm chậm lại sự giảm tốc. Các bề mặt cứng hơn như nhựa đường hoặc sàn nhà, gạch phòng tắm nhà bạn gây ra sự giảm tốc đột ngột hơn nhiều.
Vì vậy, cây bút Wall Street Journal đã lặp lại tất cả thử nghiệm với iPhone 14 và Galaxy S23 trên đường nhựa. Kết quả là khi rơi từ độ cao 1 m, 2 thiết bị đều sống sót sau 2 lần thả rơi trên đường nhựa, chỉ để lại những vết xước và vết lõm nhỏ.
Đến độ cao 10 m, chiếc iPhone không đeo ốp đập mạnh xuống đường nhựa, làm vỡ kính mặt sau. Mọi thứ khác đều ổn, vẫn hoạt động bình thường. Với smartphone Samsung, góc phía trên bên trái và phía dưới bên phải của màn hình OLED bị vỡ. Màn hình hiển thị cũng bắt đầu có hiện tượng nhấp nháy.
Đến bài drop test 100 m, cây bút Wall Street Journal thử nghiệm ném nhưng có mang ốp bảo vệ. Kết quả là toàn bộ mặt kính sau của iPhone bị nứt, bao gồm tất cả kính xung quanh camera. Nhưng bản thân iPhone vẫn hoạt động, chỉ là cần phải sửa chữa nếu muốn dùng tiếp.
Chiếc iPhone khi bị ném từ độ cao 10 m (trên) và 100 m (dưới). (Ảnh: Wall Street Journal).
Còn với Galaxy S23, thiết bị đáp đất với lực rất mạnh tác động vào góc dưới bên phải đến nỗi vỏ cao su bị rách. Màn hình không bị nứt, nhưng toàn bộ phần thân điện thoại bị cong và không thể khởi động.
Trên thực tế, trong vụ iPhone còn nguyên sau khi rơi 5.000 m từ máy bay bung cửa, Sean Bates, người đã phát hiện ra nó, cho biết đã tìm thấy dưới một bụi cây trên lề đường, phủ đầy cỏ.
Nói với Wall Street Journal, các chuyên gia vật lý cho biết một chiếc ốp lưng tốt không chỉ trở thành đệm lực khi điện thoại rơi, giảm tốc đột ngột, mà còn bảo vệ các khu vực dễ bị va đập, hư hỏng. “Nếu bạn đập vào góc điện thoại, nó sẽ có diện tích tiếp xúc rất nhỏ và có nguy cơ bị vỡ cao hơn. Nếu bạn đập nó trên bề mặt phẳng, diện tích tiếp xúc sẽ lớn hơn”, Allain nói.
- Vì sao 2024 có thể là năm nóng nhất lịch sử?
- Vì sao dễ say nắng khi chạy bộ đường dài?
- Vì sao NASA muốn lập múi giờ cho Mặt trăng?