Tại sao nhiệt độ đo được cao hơn nhiều so với dự báo thời tiết
Sự chênh lệch rất lớn giữa con số giữa cơ quan dự báo thời tiết và mức nhiệt người dân đo được là vì cách đo và môi trường đo khác nhau.
Cụ thể, con số mà cơ quan khí tượng công bố là mức nhiệt đo được tại lều khí tượng (chẳng hạn Stevenson Screen). Ở đây, nhiệt kế được đặt cách mặt đất khoảng 1,5 mét vì nếu đặt quá gần sẽ đo nhiệt của cả mặt đất, trong khi đặt quá cao thì bị sai lệch do nhiệt độ thay đổi bởi độ cao. Nền của nơi đặt phải là thảm cỏ xanh, không được là nền đường hay bê-tông.
Stevenson Screen chứa nhiệt kế đo nhiệt độ không khí được thiết kế bằng gỗ, sơn màu trắng, có các khe thoáng khí ở bên, đặt trên mặt cỏ cao khoảng 1,5 mét.
Ngoài ra, thiết bị đo nhiệt còn phải đặt trong bóng râm. Lý do là nếu nhiệt kế tiếp xúc trực tiếp thì nó sẽ hấp thụ bức xạ mặt trời dẫn đến con số đo được cao hơn nhiệt độ không khí. Cũng cần có luồng không khí lưu thông quanh nhiệt kế, duy trì sự cân bằng với môi trường xung quanh.
Hơn nữa, cơ quan khí tượng còn phải sử dụng các loại nhiệt kế chuyên dụng với độ chính xác cao. Ngoài ra, số liệu công bố cũng được thu thập vào những khung giờ nhất định và thường là con số trung bình tại một số điểm đo khác nhau. Chẳng hạn, nhiệt độ đo được ở khu vực Cầu Giấy có thể sẽ cao hơn so với ở Phú Xuyên (cùng ở Hà Nội), trong đó có nguyên nhân do hiệu ứng đô thị.
Người dùng đo nhiệt độ theo cách thông thường, đặt trực tiếp trên nền bê tông, giữa trời nắng.
Cách đo thông thường thì lại là đưa nhiệt kế đặt giữa đường, trên nền bê-tông ngoài trời nắng. Lúc này nhiệt độ ghi nhận được cao hơn đáng kể so với thông báo của cơ quan thời tiết do môi trường đo không đúng chuẩn, nhiệt kế cũng hấp thụ trực tiếp nhiệt từ mặt trời, mặt đường phả lên chứ không chỉ đo riêng nhiệt độ không khí.
Tương tự, con số hiển thị nhiệt độ môi trường (outdoor) trên ôtô có thể càng chênh lệch lớn, thậm chí lên đến cả chục độ C, vì ngoài khác biệt do môi trường đo thì nó còn chịu tác động bởi nhiệt tỏa ra từ động cơ xe.