Tại sao ở Úc có nhiều hồ màu hồng?
Trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam Tây Úc có con hồ tên là Hillier, nơi nổi tiếng với màu hồng tuyệt đẹp, trông giống như một ly sữa dâu lắc. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên bạn không nên thử uống nó, bởi Hồ Hillier mặn hơn nước biển đại dương gấp 10 lần.
Trước đây nhiều nghiên cứu cho rằng, nước màu hồng là do loài tảo ưa muối có tên Dunaliella Salina sống trong nước. Tảo có chứa một sắc tố gọi là beta carotene, cũng có trong cà rốt. Thế nhưng vào năm 2015, Tiến sĩ McGrath đang làm việc trong Dự án Extreme Microbiome, sử dụng giải trình tự bộ gene để nghiên cứu các sinh vật sống trong môi trường khắc nghiệt, đã phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên.
Ở Úc có nhiều hồ màu hồng.
“Chúng tôi xác nhận rằng loài tảo D. Salina có ở hồ Hillier, nhưng với số lượng rất thấp. Điều chúng tôi tìm ra đó là loại vi khuẩn có tên Salinibacter Ruber. Hơn 20% mỗi đoạn DNA mà chúng tôi thu được từ hồ là từ vi khuẩn, trong khi chưa đến 0,1% DNA thu được là từ tảo", ông cho hay.
Vi khuẩn Salinibacter Ruber có chứa một sắc tố gọi là bacterioruberin, có màu hồng hơn nhiều so với beta carotene.
Sau chuyến đi nghiên cứu của mình, Tiến sĩ McGrath đã đặt một chai nước lưu niệm từ hồ Hillier trên bàn làm việc của mình và nhận thấy một điều đáng chú ý.
Có cửa sổ ở một bên bàn làm việc của ông và sau một thời gian, ông nhận thấy tảo - có đuôi nhỏ và có thể luồn lách về phía ánh sáng mặt trời - di chuyển sang phía bên của cái chai có ánh sáng.
"Nhưng phần nước còn lại vẫn có màu hồng", ông nói và cho biết thêm đây là bằng chứng rõ ràng rằng chính vi khuẩn chứ không phải tảo đã khiến hồ Hillier có màu hồng.
Ở Úc có nhiều hồ màu hồng, nhưng không phải hồ nào cũng giữ được màu hồng bền bỉ như Hillier. Có một hồ nước gần trung tâm Melbourne trước đây cũng có màu hồng nhưng hiện đã chuyển thành màu xanh đậm. Chuyên gia Martin Watts từ Parks Victoria cho biết một đợt thời tiết khô nóng dường như biến nó thành màu hồng. “Đó là một hiện tượng tự nhiên xảy ra khi nhiệt độ cao, làm bốc hơi các thành phần nước ngọt ra khỏi nước mặn. Lần cuối cùng nó chuyển sang màu hồng là tháng 4 năm 2019".
Theo nhà khoa học môi trường Tilo Massenbauer, hồ màu hồng được tạo ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm khí hậu và thủy văn của lục địa già này như: nhiệt độ tăng, nồng độ muối trong nước cao, ánh sáng mặt trời và lượng mưa ít. Bên cạnh đó, tảo D. Salina có màu xanh, nhưng trong môi trường nước có hàm lượng muối lớn và ánh sáng cường độ cao như hồ Hillier, tảo cần phải dựa vào beta-carotene để quang hợp, sắc tố này có thể biến tảo thành có màu đỏ, làm cho nước xung quanh có màu hồng.