Tạp dề độc đáo có khả năng "hút" khí CO2
Tạp dề do Viện Nghiên cứu dệt may Hong Kong (HKRITA) phát triển và được công ty thời trang H&M tài trợ trong một chương trình thử nghiệm nhằm giảm thiểu tác động xấu mà ngành công nghiệp thời trang và dệt may gây ra cho khí hậu.
Viện Nghiên cứu dệt may Hong Kong cho biết họ phát triển tạp dề thông qua một quy trình hóa học. Trong đó, dung dịch chứa axit amin sẽ được dùng để xử lý bông, sợi hoặc vải khiến vật liệu có tính chất thu hút carbon dioxide (CO2) về phía nó và thu giữ loại khí này.
Một nhà hàng ở Stockholm đang thử nghiệm những chiếc tạp dề bằng vải bông có khả năng thu nhận carbon dioxide từ không khí - (Ảnh: REUTERS)
Sau khi được dùng xong, tạp dề sẽ được nung nóng trong khoảng 30-40 độ C để giải phóng khí CO2 mà tạp dề đang lưu giữ. Tiếp đó, lượng khí CO2 này sẽ được dùng "nuôi" cây.
Quy trình xử lý này đã được nhóm nghiên cứu lấy cảm hứng từ kỹ thuật sử dụng ống khói của các nhà máy nhiệt điện than để hạn chế khí thải, theo Hãng tin Reuters.
"Các nhà máy điện luôn phải loại bỏ càng nhiều carbon dioxide càng tốt. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng tại sao không thử tái tạo quy trình hóa học đó trên sợi bông", ông Edwin Keh - giám đốc điều hành HKRITA - nói.
"Một chiếc tạp dề thế này có thể hấp thụ khoảng một phần ba lượng CO2 mà một cái cây hấp thụ mỗi ngày", ông cho biết thêm.
Theo Hãng tin Reuters, ngành công nghiệp thời trang đang gây ra khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu. Riêng cửa hàng thời trang của H&M tại Thụy Điển cũng bị chỉ trích nặng nề bởi các hoạt động kinh doanh của họ ảnh hưởng đến môi trường.
Điều này khiến những ông lớn ngành thời trang chịu áp lực ngày càng tăng đối với việc giải quyết lượng khí thải carbon khổng lồ mà họ tạo ra, khi người mua sắm nhận thức rõ hơn về tác động của ngành công nghiệp này đến môi trường.
Chiếc tạp dề bằng vải bông có khả năng thu nhận carbon dioxide từ không khí - (Video: The Globe and Mail)
- Bảo vật văn hóa Việt nay chỉ còn 1 di tích rất quen thuộc bên hồ Gươm: Báo Ân và Báo Thiên
- Trong tháng 6 này, hãy cùng chiêm ngưỡng ngũ hành tinh thẳng hàng trên bầu trời
- Tại sao Nepal được coi là "tử địa" của máy bay chở khách?